Quy trình canh tác giống lúa Camau1 và Camau2
Thông qua kết quả thực hiện Đề tài nghiên cứu tuyển chọn giống lúa chịu mặn, chất lượng cho vùng lúa tôm tỉnh Cà Mau. Phối hợp với Tiến sỹ Võ Công Thành Đại học Cần Thơ. Đã tuyển chọn được 02 giống lúa tạm đặt tên là Camau1 và Camau2 có khả năng chịu mặn cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Trung tâm Giống Nông nghiệp đã tiếp nhận sản phẩm và tố chức sản xuất tại Trại Giống Nông nghiệp Khánh Lâm 1 trong vụ Hè Thu năm 2016. Kết quả đánh giá bước đầu 02 giống Camau1 và Camau 2 sinh trưởng phát triển khá tốt, ít nhiễm sâu bệnh, cho năng xuất 5 tấn/ha, gạo có mùi thơm nhẹ, thích hợp canh tác một vụ lúa một vụ tôm. Đây là 02 giống lúa lần đầu tiên tỉnh Cà Mau đặt hàng chọn tạo riêng cho Cà Mau. Do đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm, nên Trung tâm Giống Nông nghiệp khuyến cáo quy trình canh tác như sau:
1. Đặc điểm giống lúa Camau1 và Camau2:
Giống lúa Camau1 và Camau2 là tổ hợp lai giữa lúa Sỏi mùa và TP5 (Thơm phức) do Bộ môn Di truyền Giống Nông nghiệp, Khoa Nông nghiệp & SHƯD, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện, nhằm cải thiện đặc tính của giống lúa sỏi mùa trước đây.
- Khả năng chịu mặn giai đoạn mạ: 8 – 10 ‰; Thời gian sinh trưởng: 95 - 105 ngày. Chiều cao cây: 110 - 115 cm;
- Chiều dài bông: 23 -24 cm, Số bông/m2: 264 - 300 bông/m2, Tỷ lệ hạt chắc: 70 – 75 %
- Cứng cây, Kháng rầy nâu cấp 3, đạo ôn cấp 3
- Chiều dài hạt thuộc nhóm hạt dài, thơm nhẹ.
- Độ bền thể gel: cấp 3 nhóm mềm
- Năng suất thực tế: 4,5 – 5,0 tấn/ha
2. Qui trình canh tác giống Camau1 và Camau2 trong mô hình lúa tôm
Để phát huy tốt nhất hiệu quả canh tác của giống Camau1 và Camau2 nên áp dụng theo quy trình kỹ thuật canh tác được đề xuất:
Sửa soạn đất: rửa mặn tự nhiên nhờ mưa hoặc nếu mưa trễ theo dõi độ mặn trong nước khoảng 4 – 6 ‰ thì bơm nước mặn vào để chuẩn bị sạ đúng lịch thời vụ, cày, trục, san bằng mặt ruộng, làm sạch cỏ dại, đảm bảo giữ nước trên ruộng để ém phèn.
- Thời vụ: vụ Thu Đông (gieo sạ khoảng 15/8 dương lịch).
- Chuẩn bị giống: Phơi nắng, đem ngâm với nước muối 15 % (15 phút) hoặc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật dùng để ngâm ủ giống để phòng trừ lúa von, vớt sạch hạt lép và lừng, ngâm nước cho đến khi thấy mầm nhú ra có màu trắng đục thì đem đi ủ, ủ cho đến khi mầm mọc đều từ 1-2 mm thì đem gieo sạ.
- Gieo sạ: lượng giống 50 - 60 kg/ha.
- Phân bón: bón phân theo công thức 100N - 90P2O5 - 60K2O, bón vôi: 500 kg/ha. Cách bón: bón toàn bộ phân lân và vôi (bón vôi trước lúc bón lân 1 – 2 ngày sẽ tăng hiệu quả của phân lân). Phân đạm và kali bón theo thời điểm (Bảng 1).
Bảng 1: Tỷ lệ bón đạm và kali theo thời điểm (% khối lượng)
Thời điểm |
N |
K2O |
7 ngày sau sạ |
40 |
20 |
20 ngày sau sạ |
40 |
20 |
35 ngày sau sạ |
10 |
30 |
50 ngày sau sạ |
10 |
30 |
- Tưới nước: từ khi sạ đến khi lúa có 1 lá (3 NSS) giữ đất đủ độ ẩm, 10 NSS cho nước vào khoảng 2-3 cm, các giai đoạn sau mực nước không quá 10cm.
- Phòng trừ sâu bệnh: Phòng trừ kịp thời, khi thật cần thiết có thể sử dụng thuốc hoá học thì tuân theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật.
- Thu hoạch: Gặt kịp thời khi có khoảng 85% số hạt/bông đã chín. Phơi đạt ẩm độ 14%.