Hội thảo chuyên đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nguồn gien giống cây trồng, vật nuôi

Nội dung Hội thảo

Nội dung Hội thảo
      Ngày 5 tháng 4 năm 2019, tại Thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong nghiên cứu, xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nguồn gien giống cây trồng, vật nuôi trong nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp”.
     Tham dự Hội thảo có trên 80 đại biểu đại diện cho cơ quan bảo hộ giống cây trồng vật nuôi, Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh, Viện, Trường, Trung tâm Giống ,Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Hội nghị được tổ chức với sự phối hợp giữa Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ.
      Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận xoay quanh các nội dung liên quan đến xác lập quyền sở hữu trí tuệ nguồn gien giống cây trồng, vật nuôi như: Công nghệ giải trình tự Gen trong chuẩn đoán phân tử tại Viện nghiên cứu hệ Gen, Ứng dụng sinh học phân tử trong đánh giá mức độ đa dạng di truyền và nhận diện giống nhãn, Ứng dụng Marker phân tử trong chọn giống gia súc, gia cầm và Những thách thức trong bảo hộ giống cây trồng.
Ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh nêu thực trạng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh trên phạm vi nhiều quốc gia và được nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật, Thái Lan,..đã và đang ứng dụng hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào nghiên cứu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ nguồn gien còn chưa được chú trọng, hệ lụy là nhiều nguồn gien quý chưa được đăng ký bảo hộ trí tuệ. Do đó, Việt Nam nói chung và các tỉnh ĐBSCL cần chú trọng hơn nữa đến công tác sản xuất giống gắn với đăng ký bảo hộ trí tuệ, đặc biệt về bảo hộ nguồn gien cho giống cây trồng, vật nuôi.
      Trong khuôn khổ chương trình làm việc của Hội thảo, các chuyên gia đã dành thời gian giải đáp thắc mắc từ các đại biểu chủ yếu liên quan đến các thủ tục nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, chi phí giải mã bộ gien của giống cây trồng, vật nuôi và khả năng hợp tác giữa các Viện, Trường với doanh nghiệp địa phương trong nghiên cứu, triển khai công nghệ sinh học và đào tạo nguồn nhân lực….
     Kết thúc Hội thảo, TS. Trường Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ nhận định: Để công tác bảo hộ nguồn gien giống cây trồng, vật nuôi thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng, cần tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống bảo hộ nguồn gien giống cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phạm vi khu vực và quốc tế. Nhằm mục đích đảm bảo được bản quyền tác giả, vừa hạn chế được tình trạng sao chép, nhân bản giống cây trồng, vật nuôi. Đây là cơ sở quan trọng, là nền tảng để xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cho vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
                                                                                                                                                                    Hoàng Thi
 
 
 

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây