Ngày 16/7/2020 Trung Tâm Khuyến Nông tỉnh Cà Mau phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, UBND xã Nguyễn Phích tổ chức hội nghị triển khai dự án đầu tư chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ (Organic) và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đến dự buổi hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT, đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện U Minh, đại diện lãnh đạo UBND xã Nguyễn Phích và đông đảo nông dân tham gia thực hiện mô hình cùng tham dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia đã được nghe cán bộ phụ trách triển khai mục tiêu chính của mô hình là xây dựng vùng nguyên liệu quy mô 500 ha sản xuất lúa hữu cơ gắn với trình diễn mô hình 100 ha lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia DT 3-TCVN-11041-2:2017, hình thành vùng chuyển đổi làm cơ sở cho những năm sau chuyển sang sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ trong và ngoài nước. Đồng thời, mục tiêu dự án còn nâng cao năng lực 01 hợp tác xã về quản lý tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, liên kết doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm, hướng đến gia tăng thu nhập cho nông hộ từ 10-15%. Địa điểm triển khai dự án sẽ được thực hiện tại ấp 17 và ấp 18 xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.
Bà Nguyễn Kiên Nhẫn, Phó Giám đốc Trung Tâm Khuyến Nông tỉnh Cà Mau cho biết, trong những năm qua, phần lớn người sản xuất lúa thường quan tâm đến năng suất mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm, nông dân còn có thói quen chọn giống lúa không đảm bảo chất lượng, vẫn còn diện tích khá lớn (16.000 ha) nông dân sử dụng các giống lúa mùa địa phương cần chuyển đổi sang giống ngắn ngày, người nông dân sản xuất theo hướng manh mún, nhỏ lẻ, không liên kết làm gia tăng chi phí sản xuất, hàng hóa làm ra dễ bị thương lái ép giá. Không những thế, diễn biến thời tiết bất lợi năm 2019 đã làm thiệt hại trên 10.000 ha lúa-tôm sử dụng giống lúa mùa. Chính vì vậy, nhằm hướng nông dân từng bước sản xuất lúa theo quy trình hướng hữu cơ, Trung tâm Khuyến Nông sẽ thường xuyên cử cán bộ phụ trách mô hình trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn nông dân xuống giống, ghi chép sổ tay nhật ký trong suốt quá trình tham gia mô hình và tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đã được cộng đồng thống nhất.
Tại buổi Hội nghị, cán bộ phụ trách mô hình đã dành thời gian giải đáp các thắc mắc của nông dân tham gia mô hình về chính sách hỗ trợ giống, quy trình kỹ thuật, hình thức bao tiêu đầu ra để người dân yên tâm sản xuất. Góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm lúa theo hướng hữu cơ tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.
Hoàng Thi