Đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL)là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, trong những năm gần đây vấn đề hạn, mặn đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, tác động trực tiếp đến năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi và trở thành vấn đề quan tâm của nhiều cấp, ngành hiện nay. Nhằm chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp kịp thời khắc phục tình hình, diễn biến phức tạp tại ĐBSCL và tìm ra giải pháp cho việc giải quyết vấn đề hạn và xâm nhiễm mặn ở vùng ĐBSCL,
Ngày 20/02/2020, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội thảo-Tọa đàm "Giải pháp ứng phó hạn, mặn cho cây trồng và vật nuôi vùng Đồng bằng sông Cửu Long" với sự tham dự của các đại biểu từ các viện, trường, sở, chi cục, trung tâm giống, khuyến nông các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Tại Hội thảo- tọa đàm đã nghe báo cáo của các chuyên gia, các nhà khoa họccủa Trường Đại học Cần Thơ đã trình bày các nội dung: Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL-Thách thức và giải pháp; Giải pháp hạn chế ảnh hưởng của mặn cho cây trồng ở ĐBSCL; Quản lý đất canh tác trong điều kiện hạn, mặn; Canh tác cây trồng trong điều kiện hạn, mặn; Chăn nuôi và các giải pháp ứng phó hạn, mặn ở ĐBSCL; Ứng dụng mạng kiểm biến trong giám sát xâm nhập mặn.
Theo đó, các chuyên gia đã đánh giá tình hình hạn, mặn tại vùng ĐBSCL, từ đó đề xuất nhiều giải pháp ứng phó cho cây trồng và vật nuôi, đề xuất nhiều giải pháp ứng phó cho cây trồng và vật nuôi như: Theo dõi thủy triều để lấy nước ngọt, phòng ngừa vườn cây bị mặn bằng các biện pháp gia cố cống đập, đê bao và bờ bao ngăn mặn; trữ nước ngọt trong mương vườn; đo mặn; ngăn thất thoát nước,bên cạnh đó, khi vườn cây bị mặn cần làm giảm nhu cầu nước của cây (tỉa cành, bông, trái), hạn chế bốc thoát hơi nước (che phủ mặt đất), tăng khả năng chịu mặn (phun hormone) và cung cấp dinh dưỡng cho cây (bón phân hữu cơ);
Với cây lúa các chuyên gia nhấn mạnh cần xây dựng hệ thống đồng bộ từ xây dựng đê bao, cống ngăn mặn đến khâu chọn cây giống và thời điểm thích hợp cần bón phân hữu cơ tăng cường khả năng giữ nước và bón vôi, thạch caotrên nền đất nhiễm mặn;hay sử dụng biện pháp luân canh cây trồng cạn, ngắn ngày, nhu cầu nước ít trên nền sản xuất lúa bị ảnh hưởng mặn khi nền đất đã được bón vôi, compost,...và che phủ đất.
Bên cạnh đó các biện pháp ứng phó hạn, mặn trong chăn nuôi, các chuyên gia đề xuất chọn cây trồng thích ứng, bảo tồn và tận dụng hệ sinh thái rừng ngập mặn để chăn nuôi: cây bần, mắm..; lựa chọn những giống vật nuôi phù hợp với địa phương, thích ứng hạn mặn và dịch bệnh để phát triển và có đầu tư lâu dài; chọn mô hình chăn nuôi công nghiệp mới, mô hình chăn nuôi kết hợp thông minh như mô hình nuôi thỏ, tôm,cây cỏ chịu mặn hay mô hình nuôi dê, cây cỏ chịu mặn và cây ăn trái,... nhằm tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi phù hợp với điều kiện hạn mặn, hướng đến sản phẩm hữu cơ, an toàn và chất lượng,...
Phương Thuý (Tổng hợp)