Hội nghị "Quản lý và sử dụng phân bón hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp"

Tài nguyên đất đai ở vùng ĐBSCL đang ngày càng suy thoái, đó là một trong những nội dung được các đại biểu nêu ra tại Hội nghị khoa học "Quản lý và sử dụng phân bón hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp" diễn ra ngày 05/12/2019 do Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp cùng Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau tổ chức. Thu hút đông đảo các nhà khoa học, doanh nghiệp, cán bộ địa phương cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên thuộc lĩnh vực nông nghiệp đến tham dự.
          Trong những năm gần đây ở khu vực ĐBSCL sự thay đổi chế độ thủy văn, dòng chảy nguồn nước, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn... đã làm cho tính chất đất đai ở nhiều nơi thay đổi so với trước đây. Ngoài ra, quá trình khai thác, sử dụng đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc thâm canh, tăng vụ và phát triển hệ thống đê bao kiểm soát lũ thiếu hợp lý đã làm cho chất lượng nhiều vùng đất có xu hướng cạn kiệt, thoái hóa; áp lực về nhu cầu phát triển đô thị, hạ tầng và đất ở nông thôn lên đất đai ngày một tăng. Theo GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - ĐHCT) cho rằng, đất vườn cây ăn trái lâu năm ở vùng ĐBSCL đã có những biểu hiện suy thoái như chất hữu cơ trong đất thấp và làm suy thoái hệ sinh vật đất, đất bị nén dẽ, lớp đất mặt bị rửa trôi, đất có pH thấp và cạn dần dưỡng chất, bị mặn hóa do sử dụng phân bón hóa học thiếu cân đối, nấm bệnh trong đất phát triển mạnh.
hnkhdpn5
 
            Quang cảnh hội nghị "Quản lý và sử dụng phân bón hiệu quả cho
sản xuất nông nghiệp"
(Nguồn: Đại học Cần Thơ)
          Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp sau một thời gian phát triển với cường độ thâm canh cao cộng với sự đô thị hóa nhanh của vùng ĐBSCL đã có những tác động tiêu cực tới sử dụng đất bền vững, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng quá nhiều phân khoáng, ít phân hữu cơ đang làm mất cân bằng chất hữu cơ trong đất dẫn tới suy thoái môi trường đất trên quy mô lớn. Đồng thời, việc sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật cũng góp phần làm ô nhiễm nguồn nước.
          Hội nghị "Quản lý và sử dụng phân bón hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp" đã tạo cơ hội để các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng các cán bộ địa phương làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng nhằm hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, thận thiện môi trường sinh thái và tạo ra nông sản sạch. Hội nghị diễn ra với một phiên toàn thể và 5 tiểu ban báo cáo theo chủ đề chuyên sâu. Tại phiên toàn thể của Hội nghị, các đại biểu đã được nghe 03 báo cáo tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực Khoa học đất và Phân bón về vai trò của Khoa học đất trong sản xuất nông nghiệp bền vững, sự bạc màu đất ĐBSCL và biện pháp quản lý, xu hướng nghiên cứu và ứng dụng phân bón trong nông nghiệp. Tại 5 tiểu ban được chia thành 05 chuyên đề quan trọng: Sử dụng phân bón trên đất có vấn đề; Quản lý đất và sử dụng phân bón hiệu quả cho vùng xâm nhập mặn; Suy thoái đất và biện pháp cải thiện; Những tiến bộ và triển vọng trong sản xuất và sử dụng phân bón; Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.
 
          Cũng tại 05 tiểu ban này, các đại biểu đã được nghe 15 tham luận được trình bày bởi các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến xây dựng giải pháp làm giảm suy thoái đất ở vùng ĐBSCL, đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào canh tác nông nghiệp như: công nghệ cảm biến không dây, robot, đèn led, viễn thám…nhằm tiết kiệm nước, năng lượng và sức lao động. Dự báo đây sẽ là những mô hình canh tác thông minh nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, như xâm nhập mặn và thiếu nước canh tác.
 
Hoàng Thi (Tổng hợp)
 
 

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây