Những vấn đề cần lưu ý trong sản xuất lúa hè thu năm 2018

Năm 2018, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Cà Mau thời kỳ chuyển mùa từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 xuất hiện mưa chuyển mùa, thời kỳ bắt đầu mùa mưa ở mức trung bình nhiều năm (TBNN) từ ngày 5-15/5/2018, riêng khu vực phía bắc tỉnh có khả năng đến sớm hơn.
 

     Tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ TBNN. Trong đó, tháng 4-6/2018 phổ biến ở mức cao hơn TBNN, các tháng 7-10/2018 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN, tháng 11-12/2018 ở mức thấp hơn TBNN. Thời kỳ kết thúc mùa mưa mức xấp xỉ TBNN, khoảng 10 ngày giữa tháng 11.

    Trước tình hình dự báo thời tiết cho thấy vụ Hè Thu năm 2018 có những thuận lợi cơ bản như sau: Nắng nóng, nhiệt độ cao trong tháng 4, đầu tháng 5 tạo điều kiện cày ải, phơi đất.  Mùa mưa đến sớm tương đương và lượng mưa xấp xỉ năm 2017 thuận lợi cho sản xuất lúa Hè thu. Giai đoạn giữa mùa không bị nắng hạn kéo dài. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, yếu tố thời tiết diễn biến bất thường vẫn có thể xảy ra ở từng khu vực như: Mưa kéo dài, lượng mưa phân bổ không đều, nắng hạn cục bộ, hiện tượng giông lốc xoáy bất ngờ xảy ra thời điểm cuối vụ Hè Thu lúa bị đổ ngã gây thất thu giảm năng suất. Vì vậy, để chủ động sản xuất vụ lúa Hè Thu năm 2018 đạt kết quả, cần thực hiện 7 biện pháp kỹ thuật như sau:
 

Lúa 1

1. Chọn giống lúa: Chọn giống lúa có năng suất chất lượng cao, giống thấp, cứng cây, để giảm đỗ ngã, giống phải đạt cấp xác nhận, theo nhu cầu thị trường. Các giống gồm: OM5451, OM6162, OM6976 ... Ngoài ra, trồng các giống lúa thơm đặc sản như: RVT, Đài Thơm 8, ST 20… nên gieo sạ tập trung để quản lý sâu bệnh, hình thành vùng nguyên liệu kết nối doanh nghiệp bao tiêu thu mua thuận lợi. Đối với các giống lúa mới: OM 18, OM 9577, ST 24 … chỉ gieo sạ thử trên diện tích hẹp để đánh giá.

2. Thời vụ gieo sạ: Tùy điều kiện về đất đai, giống lúa từng địa phương bố trí lịch thời vụ xuống giống sao cho phù hợp từng vùng, tiểu vùng hạn chế yếu tố bất lợi cho vụ Hè Thu.

Sạ khô (áp dụng ở vùng đất cao, đất đã cày ải, ít cỏ dại, ít nhiễm phèn, mặn, thoát thủy tốt vào đầu mùa mưa, hàng năm hay bị thiếu nước cuối vụ 2 và một số vùng đất trũng hàng năm cuối vụ bị đổ ngã) tranh thủ gieo sạ sớm vào cuối tháng 4 dương lịch (dl) đến trước khi mùa mưa thật sự bắt đầu để thu hoạch vào đợt nắng hạn tháng 8, 9 dl.

Sạ gát các vùng còn lại bố trí làm đất gieo sạ bằng hạt giống ngâm ủ, tập trung từ nữa cuối tháng 5 dl đến giữa tháng 6 dl.

3. Mật độ gieo sạ: Sạ khô, mật độ sạ 10 - 12 kg/1.000m2 (13 - 15 kg/công lớn), sạ gát mật độ 8 -10 kg/1.000m2 (11 - 13 kg/công lớn). Áp dụng quy luật tự điều chỉnh quần thể cây lúa, nếu sạ thưa cây lúa sẽ tự điều chỉnh quần thể bằng cách tăng khả năng đẻ chồi. Vụ Hè thu chỉ cần đạt số bông 400 - 450 bông/m2, số hạt chắc trên bông trên 50 hạt (400 - 450 bông x 50 hạt chắc/bông x 25g trọng lượng 1.000 hạt = 5,0 - 5,6 tấn/ha) với mật độ gieo sạ như trên đã đảm bảo số bông và số hạt chắc trên bông. Nếu gieo sạ dày trên 12 kg/1.000m2 (trên 15 kg/công lớn) cây lúa đẻ nhánh rất kém, thậm chí không đẻ nhánh, dẫn đến nhiều bất lợi đó là: Tăng lượng hạt giống, phân bón, thuốc BVTV, cây lúa vươn cao, ốm yếu dễ đỗ ngã, tạo môi trường ẩm thấp cho rầy nâu, bệnh đạo ôn, lem lép … là những đối tượng gây hại thường xuyên trong vụ Hè Thu làm thất thu năng suất rất lớn.

4. Bón phân: Kiểm soát lượng phân bón cho ruộng lúa bón cân đối giữa đạm, lân, kali tránh bón thừa phân đạm giai đoạn sau. Thăm đồng quan sát cây lúa để bón lượng phân cho phù hợp theo từng giai đoạn, chú ý nguyên tắc bón phân vụ Hè Thu “Bón thiếu phân, nếu cần bón thêm, không bón thừa sẽ không lấy lại được”. Tùy điều kiện đất đai, giống lúa có thể bón phân theo 1 trong 2 công thức sau:

Công thức 1: Cho những vùng đất gò, cao, ít nhiễm phèn, có điều kiện thâm canh: 70 kg N (đạm) - 40 kg P2O5 (lân) - 30 kg K2O (kali) nguyên chất/ha (tương đương 152 kg phân Urê (46% N) + 250 kg phân Lân (16% P2O5) + 50 kg phân KCl (60% K2O)/ha. Đối với những vùng đất đai kém màu mỡ, có thể bón lượng phân đạm tăng lên 80 N (174 kg Urê/ha).

Công thức 2: Cho những vùng đất trũng, thấp, nhiễm phèn nặng, điều kiện thâm canh khó khăn: 60 kg N (đạm) - 60 kg P2O(lân) - 30 kg K2O (kali) nguyên chất/ha (tương đương 130 kg phân Urê (46% N) + 375 kg phân Lân (16% P2O5) + 50 kg phân KCl (60% K2O)/ha. Đối với những vùng đất nhiễm phèn nặng (pH dưới 4) có thể bón tăng lượng phân lân lên 70 kg P2O5 (437 kg lân/ha) kết hợp bón 200 kg Vôi (CaO, CaCO3) cải tạo phèn.

Ngoài ra, vụ Hè Thu lúa dễ bị đổ ngã do mưa, gió lớn, cần tăng cường bón phân Kali, Silica, Canxi Silic, Kali Silic hoặc phân bón lá Silica Potass giúp cứng cây hạn chế đổ ngã.

5. Quản lý nước: Vụ Hè Thu rất khó quản lý nước nên thường xuyên theo dõi thời tiết mưa, nắng hạn chủ động điều tiết giữ mực nước hợp lý từng giai đoạn cây lúa. Không để ruộng ngập quá sâu hoặc ruộng bị khô hạn dễ phát sinh cỏ dại, bệnh đạo ôn, đất bị xì phèn. Đặc biệt những chân ruộng bị phèn, mặn tranh thủ lượng mưa đầu vụ xổ bỏ các độc tố phèn, mặn. Khi gặp khô hạn có thể phun phân bón lá Comcat 150WP giúp lúa chống chịu hạn tạm thời.

6. Quản lý sâu bệnh: Thăm đồng thường xuyên phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh xuất hiện gây hại ở các giai đoạn cây lúa. Giai đoạn đẻ nhánh lưu ý bệnh đạo ôn lá, bệnh thối thân cần phát hiện kịp thời phun thuốc trừ bệnh. Giai đoạn làm đòng - trổ lưu ý sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh đạo ôn (cổ bông), bệnh cháy bìa lá, lem lép hạt. Tùy theo mật độ sâu hại nếu vượt ngưỡng phòng trừ tiến hành phun thuốc (ngưỡng phòng trừ sâu cuốn lá 20 con sâu sống/m2, rầy nâu 2-3 con/tép lúa). Đối với các loại bệnh xuất hiện gây hại trước và sau khi trổ có thể phun ngừa để hạn chế bị thiệt hại. Việc sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, không nên phun ngừa sâu ăn lá giai đoạn đầu, vì cây lúa có khả đền bù phục hồi (ra lá mới thay thế) không nên phun khi sâu, rầy mật số thấp chưa tới ngưỡng phòng trừ, chỉ phun thuốc bệnh khi có bệnh xuất hiện trên ruộng tùy theo mức độ bệnh và thời tiết.

7. An toàn vệ sinh thực phẩm lúa hàng hóa: Để đảm bảo lúa hàng hóa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cần tuân thủ các nguyên tắc trong sử dụng phân bón và thuốc BVTV. Về sử dụng phân bón cần lưu ý không bón thừa đạm giai đoạn sau, không lạm dụng phân bón lá, chất kích thích tăng trưởng phun giai đoạn lúa chín sữa, chín sáp với quan niệm làm tăng kích thướt, trọng lượng hạt. Tuy nhiên, khi lúa vào giai đoạn chín hoạt động của cây đã ngừng, cây mất nước dần, việc phun phân bón lá, chất kích thích đều không có tác dụng gia tăng trọng lượng hạt, mặc khác hạt lúa sẽ bị tích nước lưu tồn dư lượng đạm Nitrat, các chất kích thích làm giảm phẩm chất lúa hàng hóa. Đối với thuốc trừ sâu bệnh chỉ phun lần cuối sau khi lúa trổ đều, không nên phun thuốc bệnh vào giai đoạn lúa chín sữa, chín sáp (lúa đỏ đuôi) vì thuốc không kịp phân hủy đảm bảo thời gian cách ly, hạt lúa sẽ bị tích lũy dư lượng thuốc BVTV rất nguy hiểm có thể gây độc cho người tiêu thụ nông sản.

Tóm lại: Để sản xuất vụ lúa Hè Thu đạt kết quả cao, hạn chế các yếu tố bất lợi cần tuân thủ thực hiện quan điểm và giải pháp sau

Quan điểm: Không đầu tư thâm canh cao để gia tăng năng suất lúa trong vụ Hè Thu, vì sản xuất lúa vụ Hè thu thời tiết bất thường rất dễ bị đỗ ngã, sâu bệnh tấn công làm giảm năng suất. Giữ năng suất lúa trung bình 5,0 - 5,5 tấn/ha. Giảm tối đa các chi phí đầu tư nhằm tăng lợi nhuận như: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc BVTV.

Giải pháp: Bố trí thời vụ hợp lý. Chọn giống lúa thấp, cứng cây. Gieo sạ mật độ thưa. Bón phân cân đối đạm, lân, kali tránh bón thừa đạm, không lạm dụng phân bón lá, chất kích thích tăng trưởng và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng./.

 
Sở NN&PTNT - CCBVTV

Tổng điểm nội dung là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây