Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Bài 1: Xu hướng tất yếu

Đầm nuôi tôm công nghiệp xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hà Kim/TTXVN
Đầm nuôi tôm công nghiệp xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hà Kim/TTXVN
Với lợi thế là một trong những vùng có điều kiện sản xuất nông nghiệp đa dạng, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã và đang phát triển mạnh nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp.

Cà Mau là địa phương có thế mạnh về phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có khoảng 85.000ha đất canh tác lúa; trong đó có gần 70.000ha lúa Hè Thu, Thu Đông và Đông Xuân, trên 40.000ha lúa - tôm và hơn 7.000ha lúa mùa.

Tổng sản lượng lúa hàng năm của tỉnh đạt trên 500.000 tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có gần 7.000ha đất trồng rau màu và trên 5.500ha đất trồng chuối. Tuy nhiên, sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất và chất lượng sản phẩm trồng trọt chưa cao. Chính vì vậy, việc tỉnh Cà Mau quy hoạch, kêu gọi đầu tư vào xây dựng, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm là rất cần thiết, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo định hướng, Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm - tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 có tổng diện tích 332ha, được quy hoạch thành 3 khu vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển các sản phẩm chủ lực như: lúa, rau, củ, quả, cây ăn trái (cây có múi, dừa). Đề án có tổng kinh phí 334,2 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, ước tính kế hoạch giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 ước tính tăng 109 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với sản xuất truyền thống; đến năm 2030 ước tăng khoảng 273 tỷ đồng, tăng khoảng 10%.

Theo ông Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: mô hình sản xuất dưa hấu và sản xuất rau đạt chứng nhận VietGAP tại xã Lý Văn Lâm; trồng chuối già Nam Mỹ cấy mô, quy mô 270 ha tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu - Sản xuất chế biến gỗ Cà Mau…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện những mô hình này tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn như: đất đai thấp, trũng, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện... chưa hoàn chỉnh; nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu. Các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển trong lĩnh vực trồng trọt chưa nhiều, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông mà chưa có nhân lực trình độ cao.

Trước những khó khăn trên, vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức Hội thảo tham vấn Đề án xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm. Tại đây, đại diện các sở, ngành chuyên môn đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm theo các mục tiêu và định hướng đã chọn.

Theo đó, giải pháp được đề xuất là tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp và hoàn chỉnh cả về cơ sở vật chất, thiết bị vào vùng nông nghiệp; xây dựng quy trình công nghệ sản xuất hiện đại, đồng bộ, cơ giới hóa, tự động hóa cao, ứng dụng các phần mềm trong quản lý để áp dụng vào sản xuất; đào tạo nâng cao nguồn nhân lực và đổi mới khuyến nông theo hướng tập trung xây dựng các mô hình sản xuất chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn hơn cho phát triển ứng dụng công nghệ cao, nhất là các lĩnh vực đất đai, vốn và khoa học công nghệ.

Ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau nhận định, việc xây dựng đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm là yêu cầu thực tiễn hết sức cần thiết và cấp bách để chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hiện đại đạt hiệu quả và chất lượng cao. Bởi lẽ thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau dù có lợi thế nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Khi triển khai, vùng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ đảm bảo tính đồng bộ liên hoàn, việc phát triển sản xuất nông nghiệp sẽ hiệu quả và bền vững hơn.

Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau Phạm Văn Mịch chia sẻ thêm, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân; sản xuất thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải phục vụ đắc lực nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Theo các chuyên gia đánh giá, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một lĩnh vực mới, không chỉ đầu tư nguồn vốn vào thực hiện mà còn phải thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới. Qua đó chuyển đổi từ nền nông nghiệp “hoá chất” sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay.

"Việc sử dụng hơn 11 triệu tấn phân bón hoá học các loại hàng năm góp phần đưa năng suất nhiều loại cây trồng của Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón vô cơ, hoá chất đã và đang làm giảm chất lượng nông sản, thoái hoá đất, ô nhiễm nguồn nước, suy giảm đa dạng sinh học, sức khoẻ con người bị ảnh hưởng" - Tiến sĩ Vũ Ngọc Hùng, Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, cho biết.

Hiện, tỉnh Cà Mau đang phối hợp với Tập đoàn GFS - Công ty cổ phần Five Star GFS (Hà Nội) thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp cao. Để việc phối hợp được thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã yêu cầu Tập đoàn GFS cử chuyên gia xuống tỉnh Cà Mau cùng với địa phương khảo sát về thổ nhưỡng vùng đất U Minh Hạ, từ đó tìm ra những loại cây trồng thích hợp với thổ những, có giá trị kinh tế cao.

Mặt khác, những loại cây trồng này không chỉ được trồng trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm mà còn triển khai nhân rộng ra toàn vùng. Song song đó là giải pháp hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hợp tác chặt chẽ trong cộng đồng dân cư; liên kết sản xuất thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất…, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua mô hình liên kết chuỗi giá trị.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi tỉnh Cà Mau đang quyết tâm đạt được nhằm phát triển bền vững. Từ quy hoạch phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh, nhiều mô hình khung trên một số lĩnh vực chủ lực của tỉnh dần được hình thành.. .

Nguồn: TTXVN

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây