Việc thực hiện đề án cũng kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để Cà Mau tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bố trí lại sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc điểm của từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Chú trọng liên kết sản xuất
Một trong những kết quả nổi bật nhất qua hơn 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau là việc người sản xuất đã bắt đầu quan tâm đến đầu tư, để nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện liên kết chuỗi giá trị.
Riêng ngành hàng tôm nhận được rất nhiều sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và các địa phương. Ngành tôm cũng nhận được sự phối hợp hiệu quả của các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, sự tham gia tích cực có hiệu quả của người nuôi.
Với vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, thuỷ sản tiếp tục tạo ra nhiều chuyển biến tích cực từ hình thức sản xuất cho đến chế biến và tiêu thụ. Nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng mô hình mới với các chứng nhận quốc tế, tạo điều kiện để ngành hàng chủ lực này phát triển lên bậc thang mới, cao hơn và bền vững hơn.
Hợp tác xã Nuôi thuỷ sản Cái Bát, ấp Cái Bát, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước là một trong những điển hình phát triển mới trong sản xuất. Được hình thành từ việc góp vốn để hỗ trợ nhau trong sản xuất thông qua tổ hợp tác, đến nay hợp tác xã đã ghi tên mình trên thị trường trong và ngoài nước với những sản phẩm đậm chất Cà Mau là con tôm, cua và bồn bồn.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Cái Bát chia sẻ, đến nay, vùng sản xuất hơn 350 ha của hợp tác xã đã được công nhận vùng nguyên liệu tôm sạch theo tiêu chuẩn ASC (nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm). Theo đó, người nuôi tôm sẽ áp dụng bộ tiêu chuẩn ASC dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm. Khi áp dụng bộ tiêu chuẩn này, các sản phẩm thủy sản phải an toàn từ các trại nuôi ra thị trường, đồng thời hạn chế tối đa các tác động về môi trường và xã hội. Loại hình nuôi của hợp tác xã rất đa dạng, từ thâm canh, siêu thâm canh cho đến quảng canh cải tiến, quảng canh 2 giai đoạn…
Kết quả đó có được chính là nhờ việc liên kết trong sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh. Từ đó, đời sống của các thành viên trong hợp tác xã không ngừng nâng cao.
Trong năm qua, Cà Mau đã có 22 doanh nghiệp ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 15 hợp tác xã, tổ hợp tác gồm khoảng 800 hộ dân. Những hợp đồng liên kết này không chỉ để cung ứng vật tư đầu vào gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mà còn cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu có chứng nhận quốc tế.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, liên kết chuỗi giá trị là một trong những kết quả nổi bật trong sản xuất của năm 2018 và tỉnh đang tiếp tục tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy loại hình này phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đã chủ động phối hợp với các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân thực hành nuôi tôm bền vững có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn được trên 19.000ha. Song song với đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xây dựng vùng nuôi tôm thâm canh có chứng nhận quốc tế được 675 ha.
Bên cạnh đó, Cà Mau xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa cao sản an toàn tại xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc và Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời); chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa - tôm đặc sản an toàn tại xã Trí Lực, Trí Phải (huyện Thới Bình) và chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau màu xã Lý Văn Lâm (thành phố Cà Mau)…
“Nhờ đó, tính hiệu quả của hoạt động liên kết trong sản xuất đã được khẳng định. Những năm qua, nhiều mô hình liên kết trong sản xuất đã được thực hiện thành công tại các địa phương, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác và tận dụng thế mạnh của từng địa phương”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng đánh giá.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Theo ông Phạm Văn Mịch - Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau, Cà Mau là 1 trong 33 tỉnh tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cả nước. Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng; trong đó có việc xây dựng vùng canh tác lúa hữu cơ, chứng nhận theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu với quy mô 317 ha tại nông trại Viễn Phú, xã Khánh An, huyện U Minh. Hay ứng dụng sản phẩm sinh học trong thanh lọc và phục tráng các giống lúa mùa địa phương như: tài nguyên, tép hành, một bụi đỏ để phục vụ sản xuất lúa - tôm. Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) và kỹ thuật sản xuất lúa 3 tăng, 3 giảm với quy mô 20.000 ha cũng mang lại hiệu quả cao cho nông nghiệp Cà Mau.
Ngoài cây lúa, toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp liên kết sản xuất tôm sinh thái (tôm hữu cơ) trên diện tích 20.000ha, với 4.000 hộ nuôi; trong đó, có từ 8.000 - 9.000 tấn tôm hữu cơ mỗi nhận được chứng nhận tiêu chuẩn organic với giá trị tăng thêm cho người dân tham gia này là 5%. Sản phẩm đạt chứng nhận tôm sinh thái đang được các thị trường khó tính như Mỹ và EU chấp nhận sử dụng với giá cao. Tuy nhiên, việc sản xuất theo hướng hữu cơ hiện đang gặp khó khăn do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương, tỉnh Cà Mau đã xây dựng 13 nhãn hiệu tập thể hàng hoá cho các sản phẩm đặc thù của Cà Mau.
Chia sẻ về vấn đề này ông Châu Công Bằng cho hay, Cà Mau đang hướng đến xây dựng chỉ dẫn địa lý tôm sú, cua và đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình”, “Lúa sinh thái”. Đồng thời, tỉnh bổ sung quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuỷ sản tại huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Các ngành chức năng có liên quan của tỉnh đang cùng các doanh nghiệp nghiên cứu quy hoạch chi tiết các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thực hiện các dự án đầu tư.
Trong thời gian sắp tới, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp; trong đó có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống xử lý chất thải và công nghệ thông tin. Ngoài ra, để giải quyết bài toán khó về nguồn nhân lực, Cà Mau sẽ tuyển chọn sinh viên xuất sắc, cán bộ trẻ có năng lực để đào tạo dài hạn trong và ngoài nước; đào tạo lực lượng trực tiếp sản xuất đại trà. Mặt khác, địa phương cũng sẽ tập trung quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại…
Để mời gọi đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Cà Mau còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác như: tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng đầu vào; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất… nhằm đạt mục tiêu vùng nông nghiệp công nghệ cao đã đề ra.
Nguồn: TTXVN
|