Khởi động Dự án VietGAP trên lúa tại tỉnh Cà Mau

GAP (Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo 3 tiêu chí chung là: an tòan thực phẩm, an toàn cho người lao động và an toàn cho môi trường
         Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Cà Mau trong những năm qua đã gặt hái được nhiều thành công. Năm 2017 diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh 118.000 ha, năng suất bình quân 4,34 tấn/ha, sản lượng lúa đạt 514.000 tấn, đảm bảo an ninh lương thực và tham gia xuất khẩu.Theo Kế hoạch sản xuất lúa ổn định diện tích đến năm 2020 là 131.500 ha. Trong đó gồm 70.400 ha trồng lúa cao sản chất lượng, 51.100 ha trồng lúa mùa đặc sản và trong hệ thống kết hợp với nuôi tôm, nuôi cá.

         Hệ canh tác lúa mùa đặc sản rất phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu (xâm nhập mặn ngày càng tăng) ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Trong hệ thống này (lúa-thủy sản) giống lúa mùa đặc sản địa phương có tính thích ứng cao do có kiểu hình thích nghi vùng trũng thấp, chịu mặn tốt và chống chịu sâu bệnh. Các giống lúa mùa đặc sản được ưa chuộng và đã thích nghi ở vùng bị ảnh hưởng mặn tại Cà Mau gồm Tài Nguyên, Tép hành, Một bụi, Ba bông mẳn; giống Tép hành và Ba bông mẳn rất ngon cơm nên được nhiều nông hộ trồng trọt để sử dụng và thương mại như một sản phẩm đặc trưng ở Cà Mau. Nhu cầu thị trường nội địa đối với các giống lúa mùa đặc sản rất ổn định và hiệu quả khá cao về mặt kinh tế đối với người sản xuất. Tuy vậy, việc nghiên cứu cải thiện, phục tráng các giống lúa mùa đặc sản ít được chú ý đầu tư, cho nên người dân vẫn phải sử dụng lúa thịt làm giống trồng qua nhiều thế hệ, dẫn đến tình trạng giống bị thoái hóa, năng suất giảm, lúa thương phẩm lẫn hạt đỏ, hạt khác dạng nên giảm giá trị thương mại.
 
         GAP (Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo 3 tiêu chí chung là: an tòan thực phẩm, an toàn cho người lao động và an toàn cho môi trường. Do vậy, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP là xu hướng tất yếu để nước ta hội nhập toàn diện trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới. Trong bổi cảnh như vậy, có thể nhận thấy các tiểu vùng lúa mùa đặc sản ở ven biển ĐBSCL và tỉnh Cà Mau nói riêng có đủ điều kiện thuận lợi và cần thiết để phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, là cơ sở để tạo dựng thương hiệu gạo đặc sản bản địa, gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân.
Dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa – tôm tỉnh Cà Mau thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và ủy quyền địa phương quản lý.

        Mục tiêu của dự án là Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa – tôm tỉnh Cà Mau nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo có chất lương tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất.

         Nội dung dự án bao gồm: Chuyển giao công nghệ và qui trình công nghệ; Đào tạo, tập huấn và xây dựng mô hình sản xuất lúa VietGAP.
 
         Ngày 01/03/2018 đã tổ chức lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật GAP và VietGAP tại Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau, do Tiến sỹ Đào Minh Sô, Trưởng phòng Nghiên cứu cây lương thực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam thực hiện. Thông qua lớp tập huấn giúp cho cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau nắm bắt được những vấn đề về sản xuất lúa VietGAP nhằm ứng dụng vào sản xuất thực tế tại trại và sản xuất tại địa phương.

       Đồng thời Trại Giống nông nghiệp Khánh Lâm cũng tổ chức sản xuất mô hình nhân giống lúa cấp nguyên chủng: Qui mô: 05 ha nguyên chủng. Trong đó: 4,5 ha giống lúa Tài nguyên và 0,5 ha giống lúa Tép Hành. Ruộng lúa giống sinh trưởng và phát triển rất tốt.

         Dự án VietGAP trên lúa đối với tỉnh Cà Mau còn rất mới, nhưng với sự cố gắng và hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam   bước đầu đã thực hiện theo đúng tiến độ về khối lượng và đảm bảo chất lượng của sản phẩm dự án và ứng dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

 

Tác giả bài viết: KS. Phạm Văn Mịch

Tổng điểm nội dung là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây