Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta đều biết nhãn hiệu (hay còn gọi là thương hiệu) được coi là một trong những tài sản có giá trị của doanh nghiệp. Nhãn hiệu nếu xét theo khía cạnh kinh tế thì được xem là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa-dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp bởi các nhà sản xuất hoặc nhà cung ứng dịch vụ khác nhau. Thương hiệu là một tập hợp những cảm nhận của khách hàng về một công ty, một sản phẩm hay dịch vụ với đầy đủ các khía cạnh: mô tả nhận diện, giá trị, thuộc tính và cá tính.
Có thể khẳng định nhãn hiệu/thương hiệu là tài sản trí tuệ (tài sản vô hình) có giá trị lớn nhất đối với doanh nghiệp. Việc xây dựng một thương hiệu thành công, một thương hiệu mạnh luôn là động lực tốt nhất cho mọi hoạt động sản xuất và phát triển kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.
Nhằm đút kết những kết quả đã đạt được và đưa ra phương hướng cho hoạt động phát truển nhãn hiệu, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương tổ chức Hội thảo “Giới thiệu, quảng bá và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực, nhãn hiệu tập thể hàng hóa của địa phương” vào ngày 30/9/2020.
Tại cuộc hội thảo, Sở Khoa học và Công nghệ đã báo cáo thực trạng xây dựng, bảo hộ và hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Cà Mau trong thời gian qua; Giới thiệu quy trình đăng ký nhãn hiệu; Thực trạng xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận tại địa phương. Sở Công Thương báo cáo tham luận về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT giới thiệu một số chiến lược quảng bá thương hiệu hiệu quả thông dụng hiện nay.
Cà Mau là tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp, nhất là các sản phẩm tài nguyên bản địa. Trong thời gian qua, bước đầu đã xây dựng được một số thương hiệu, nhãn hiệu cụ thể như: Tôm khô Rạch Gốc, mật ong U Minh Hạ, cá khô bổi U Minh, lúa sạch Thới Bình, chuối xiêm sinh thái Cà Mau, mực sông Đốc-Cà Mau, cá thòi lòi Đất Mũi-Cà Mau, cá bớp Hòn Chuối-Cà Mau, lúa sinh thái Cà Mau, chuối khô Trần Hợi, bánh phồng tôm mũi Cà Mau.
Về nhãn hiệu chứng nhận: Gạo Tép hành-Cà Mau, Gạo Tài nguyên đục-Cà Mau, gạo Một bụi lùn-Cà Mau; Mắm lóc Thới Bình-Cà Mau; cua Năm Căn-Cà Mau; cá chình-cá bống tượng Tân Thành-Cà Mau; cá Khoai Cái Đôi Vàm-Cà Mau; bồn bồn Cái Nước-Cà Mau.
Tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng công tác xây dựng bảo hộ, quản lý và phát triển cho các sản phẩm đặc thù vẫn còn nhiều hạn chế, phần lớn các đặc sản tiêu thụ dưới dạng thô, chưa có bao bì, nhãn mác và hệ thống nhận dạng thương hiệu chưa được xây dựng nên chưa tạo được sự khác biệt và nổi bật so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường….
Để phát triển các đặc sản địa phương trở thành sản phẩm thế mạnh của tỉnh thì việc nâng cao hiệu quả hoạt động phát triển tài sản trí tuệ là một trong những giải pháp quan trọng cần thực hiện đó là:
- Khai thác, cung cấp các công cụ và dịch vụ thông tin Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các trường học, doanh nghiệp.
- Hướng dẫn doanh nghiệp tạo dựng và khai thác hiệu quả các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ của mình; hỗ trợ đăng ký bảo hộ về SHTT; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá tác động và xác định các yếu tố liên quan đến SHTT trong chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phạm Minh Dũng