…Chắc ai cũng thấy nông dân là tầng lớp nghèo nhất và đang chịu nhiều thiệt thòi nhất so với mọi nhóm khác. Với tình trạng thiếu lao động nông nghiệp như hiện nay, gia đình nào phải thuê người làm đất, tưới tiêu, phun thuốc sâu, gặt hái thì hầu như đều thua lỗ. Vậy có phải mọi gia đình nông dân đều chịu cảnh nghèo khó hay không, và có phải không có lối ra? Không phải thế.
Về chăn nuôi lợn có thể học anh Quang ở Ba Vì bằng cách tự chế lấy thức ăn. Anh loại bỏ hai nguồn thức ăn giàu đạm đắt tiền là bột cá và khô dầu đậu đỗ bằng cách thu mua ốc bươu vàng với giá 5.000 đồng mỗi cân và tự nuôi giun quế.
Ta cũng có thể liên hệ với anh Giáp ở Hà Nội để mua trứng vịt trời và máy ấp nhằm phát triển nghề nuôi vịt trời trong các ao làng. Vịt trời chỉ ăn ngô ngâm nước và không bay được nhờ cắt bớt lông trên một bên cánh.
Giỏi hơn là nuôi cá chép giòn giá cao trên sông chỉ nhờ một biện pháp mà anh Phước ở Hải Dương đã nghĩ ra là nhập về loại đậu tằm làm thức ăn cho chúng.
Sáng tạo hơn nữa là kinh nghiệm của chị Xuân ở Hà Nội trong việc dùng cỏ nuôi dế và dùng dế nuôi tắc kè để xuất khẩu. Còn bao kinh nghiệm quý báu khác như anh Giểng ở Quảng Ninh dùng cách thụ tinh nhân tạo để nâng cao tỷ lệ trứng có phôi ở gà; bà con Thanh Hóa nuôi lợn nái bằng cháo đường để sau khi thụ tinh với lợn rừng trong rừng đều biết quay về chuồng của mình; bạn Bình ở Khánh Hòa nuôi yến trong nhà với đặc điểm là có thể nuôi ở tất cả những nơi mà mùa đông không quá lạnh và chỉ chuyển giao kỹ thuật thành công thì công ty mới thu tiền.
Và còn bao nhiêu địa chỉ khác đáng tham khảo như nuôi lươn không bùn, nuôi ếch mùa đông, nuôi ba ba, nuôi thỏ, nuôi chồn (để làm cà phê chồn), nuôi bồ câu Pháp...
Về trồng trọt, nông dân ta cũng có rất nhiều thành tựu đáng kể. Những nơi nào có điều kiện trồng cây Cỏ ngọt (Stevia) đã có anh Khoa ở Hà Nội đến thu mua để xuất khẩu. Nơi nào trồng gấc trên quy mô lớn đã có chị Tâm ở Hà Nội đến để thu mua và chế biến và xuất khẩu sang Mỹ, Nhật. Nơi nào muốn có giống đu đủ Hồng Phi, mỗi cây 50 quả mọc từ sát đất trở lên, mỗi quả 1,5 kg, độ đường 17% và đặc biệt là không bị bệnh đốm lá như hầu hết đu đủ trong nước có thể kiên hệ với chị Quyên ở Hà Nội.
Ai muốn trồng chanh không hạt, cam không hạt, bưởi ít hạt có thể liên hệ với anh Xê ở Bình Dương để mua giống và học hỏi kinh nghiệm. Rồi còn mít không hạt, na nặng 0,5 tới 1 kg mỗi quả, dưa hấu không hạt, chanh leo, măng tây và chè hoa vàng xuất khẩu, sầu riêng và xoài năng suất cao... Tất cả đều có địa chỉ để cấp giống và thu mua xuất khẩu.
Không thể không nhắc tới nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu, bà con có thể học nghề và được cung cấp giống các loại khi liên hệ với kỹ sư Trình. Nếu muốn trồng loại nấm có giá cao nhất là nấm Vân Chi (để chế tạo cao chống ung thư) có thể liên hệ với anh Giang.
Về cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp tôi tâm đắc nhất với xí nghiệp của anh nông dân Phan Tấn Bện ở Đồng Tháp. Anh đã làm ra hơn 30 chiếc xe tận thu rơm để xuất khẩu sang Nhật, thay vì đốt bỏ như nhiều nơi trong nước.
Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi các cuộc chiến thương mại toàn cầu đang nóng lên và dự báo sẽ diễn ra quyết liệt thì đừng quên Việt Nam ta vẫn có thể tự tin với một thế mạnh rất quan trọng: đó là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao...