Thực hiện Kế hoạch số 03/KH-BCĐ ngày 28/01/2019 của Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau về Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp năm 2019. Ngày 23/5, Sở Khoa học và Công nghệ-Thường trực Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với Trung Tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức lớp tập huấn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Khóa tập huấn đã thu hút đông đảo hơn 50 học viên là công chức, viên chức phụ trách hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các bạn đoàn viên thanh niên có dự án khởi nghiệp của tỉnh.
Tham gia giảng dạy khóa học là chuyên gia tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp Trần Tuấn Anh, người có kinh nghiệm nhiều năm trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Trong thời gian 2 ngày tham gia lớp tập huấn, các học viên được nghe một số nội dung xoay quanh về hiện trạng hoạt động khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; phương pháp tư duy khởi nghiệp tinh gọn và xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu doanh nghiệp từ tài nguyên bản địa, định vị giá trị thương hiệu cũng như hướng dẫn cách sử dụng các công cụ Makerting online trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, các học viên còn được tham gia các bài tập thực hành sôi động, tạo sự gắn kết, tương tác các học viên với nhau và quan trọng hơn là được quảng bá những sản phẩm, dự án khởi nghiệp do chính bản thân lên ý tưởng và thực hiện .
Trong khuôn khổ lớp tập huấn, chuyên gia Trần Tuấn Anh thông tin thêm, theo báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2016, chỉ số sáng tạo đổi mới của “Startup Việt Nam” rất thấp, chỉ đạt 11,4% và xếp hạng 50 trong số 60 nước thực hiện GEM. Trong đó, sự đổi mới về sản phẩm chỉ đạt mức 4,8%, về thị trường là 2,2% và về công nghệ chỉ có 4,4%. Đây chính là minh chứng cho việc khởi nghiệp không xác định được mục đích rõ ràng ngay từ đầu, thiếu sự mới mẻ. Như vậy tinh thần của người khởi nghiệp, của doanh nhân hiện nay là bằng cách nào đó phải có sự đổi mới, sáng tạo.
Thông qua buổi tập huấn, chuyên gia đã gợi mở hướng khởi nghiệp cho các bạn trẻ Cà Mau chính là cần tận dụng triệt để lợi thế sản vật tại địa phương để gắn vào sản phẩm, làm tăng giá trị, đơn cử như sản phẩm cua Cà Mau, mật ong rừng U Minh, bánh phồng tôm, cá thòi lòi…. Đặc biệt là cần kết hợp giữa công nghệ với thế mạnh địa phương để gia tăng giá trị cho sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh, nhất là các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, thương hiệu của tỉnh Cà Mau.