NHẬN BIẾT BỆNH DỊCH TẢ CHÂU PHI TRÊN HEO

NHẬN BIẾT BỆNH DỊCH TẢ CHÂU PHI TRÊN HEO
 
          Bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) đã xâm nhập vào Việt Nam, đây là bệnh rất nguy hiểm trên heo, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến trên cả nước để triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả heo Châu Phi vào ngày 04/3/2019. Để góp phần khống chế bệnh nguy hiểm này, người chăn nuôi cần phải nhận biết cơ bản về bệnh DTHCP.
           Dịch tả Heo châu Phi (African Swine Fever – ASF) là bệnh xuất huyết lây lan rất nhanh ở heo, heo rừng ở tất cả mọi nơi. Tất cả heo ở mọi độ tuổi đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Bệnh được phát hiện đầu tiên tại Châu Phi vào năm 1921, đến nay đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia. Ở Việt Nam đã xuất hiện ở 07 tỉnh miền Bắc.
          Virus gây ra bệnh ASF thuộc nhóm Asfarviridae – một nhóm virus DNA. Virus ASF độc lực cao sẽ gây triệu chứng điển hình là sốt cao, bỏ ăn, xuất huyết ở da và các cơ quan nội tạng, cuối cùng là tử vong trong vòng 2-10 ngày. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
          1. Con đường truyền lây:Truyền lây trực tiếp: Virus ASF được tìm thấy trong tất cả các dịch và mô của heo nhiễm bệnh. Heo khỏe mạnh sẽ bị nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp với heo bệnh hay ăn phải rác có chứa thịt heo hay sản phẩm từ thịt heo nhiễm bệnh.Truyền lây gián tiếp qua vector sinh học: Bệnh ASF lây lan từ ổ chứa bệnh này sang các con khác qua vết cắn của ve mềm Ornithodoros moubata. Ve mềm sẽ mang theo virus khi hút máu heo rừng, heo nhà nhiễm bệnh và truyền nó sang những con mẫn cảm khác. Ruồi, mỗi và các động vật hoãng dã cũng là những tác nhân làm mầm bệnh lây truyền đi xa.Truyền lây gián tiếp: Do heo tiếp xúc với các chất thải ô nhiễm từ trại, xe cộ, trang thiết bị hay quần áo nhiễm bẩn cũng có thể làm lây lan mầm bệnh.
           2.Triệu chứng:
Thể quá cấp tính: Thể này ít gặp và nếu gặp thì chủ yếu ở những vùng, những nước bệnh xuất hiện lần đầu tiên nhiễm virus độc lực cao. Heo đột ngột sốt cao rất cao 41- 42 °C, kéo dài 2 -3 ngày, tối đa 4 ngày rồi chết.
Thể cấp tính: 
  • Sốt rất cao (41-42 °C). Ủ rủ, bỏ ăn, tím tái sau 24-48h, giảm bạch cầu và tiểu cầu sau 48-72h.
  • Đỏ các vùng da mỏng: tai, bẹn, vùng đuôi, mông, ngực, bụng, mắt.
  • Tăng nhịp tim, hô hấp khó thở
  • Nôn, tiêu chảy có thể phân có lẫn máu và tăng tiết dịch mắt, ghèn mắt.
  • Virus có thể qua nhau thai và gây sẩy thai trên heo nái mang thai các giai đoạn
  • Tỷ lệ chết lên tới 100% với những đàn cấp tính trong 6-13 ngày và có thể kéo dài 20 ngày.
  • Những heo không chết sẽ mang và bài thải virus ra môi trường.
Thể mạn tính: Các triệu chứng thể mãn tính cũng giống như thể cấp tính nhưng có mức độ biểu hiện yếu hơn và tình trạng bệnh mãn tính bao gồm sụt cân, sốt dai dẳng, các dấu hiệu hô hấp, viêm loét da và viêm khớp mãn tính. Tỷ lệ chết 30- 70%.
           Một số hình ảnh về bệnh DTHCP

 
heo3

                3.Bệnh tích 

Thể cấp tính: Xuất huyết nhiều ở các hạch lympho ở dạ dày, gan và thận. Thận có thể xuất huyết điểm, lá lách có nhồi huyết. Da màu tối và phù nề, da vùng bụng và chân có xuất huyết. Có nhiều nước xung quanh tim và trong xoang ngực hoặc xoang bụng, có các điểm xuất huyết trên nắp thanh quản, bàng quang và bề mặt các cơ quan bên trong; phù nề trong cấu trúc hạch lâm ba của đại tràng và tiếp giáp với túi mật, túi sưng mật.
Thể mãn tính: Có thể gặp xơ cứng phổi hoặc có các ổ hoại tử hạch, hạch phổi sưng, viêm dính màng phổi.
           Một số hình ảnh về bệnh tích bệnh DTHCP

 
heo2


             
Heo

            
          4.Chẩn đoán
 

  • Chẩn đoán phân biệt 
Bệnh khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và dịch bệnh. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.
Các bệnh khác cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh DTHCP bao gồm các bệnh: Bệnh tai xanh (PRRS), đặc biệt là thể cấp tính, bệnh đóng dấu, bệnh Phó thương hàn, bệnh Tụ huyết trùng, bệnh liên cầu khuẩn do Streptococcus suis, bệnh Glasser, Hội chứng viêm da sưng thận do PCV2, bệnh giả dại ở heo choai.
  • Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm 
Sử dụng tế bào monocytes sơ cấp của heo hoặc tế bào tủy xương, phần lớn vi rút DTHCP bằng phương pháp Flourenscen antibody test (FAT) kết quả dương tính của FAT cùng với các triệu chứng và các tổn thương có thể sơ bộ xác định bệnh DTHCP.
Phương pháp PCR: Là kỹ thuật cần thiết đối với việc xét nghiệm các mẫu heo nghi bị nhiễm virus DTHCP.
Tiêm động vật thí nghiệm: Hiện không được khuyến cáo sử dụng phương pháp này vì nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.
Kiểm tra huyết thanh bệnh DTHCP bằng kỹ thuật ELISA (Enzyme – linked immunosobent assay) hoặc IFA ( Indrect flourescent antibody – IFA).

                5.Giải pháp phòng bệnh
  • Cổng ra vào trang trại phải có hố sát trùng và máy phun thuốc sát trùng, mỗi đầu trại phải có khay/hố sát trùng và thay nước hàng ngày.
  • Phương tiện ra vào trại như xe tải bắt heo, xe chuyển cám, xe 2 bánh,... cần phải được phun xịt sát trùng thật kỹ trước khi vào trại.
  • Tăng cường sát trùng chuồng trại cả bên trong và bên ngoài chuồng trại, lối đi vào trại, nơi cân xe, khu vực xung quanh trạị, khu xử lý heo chết…
  • Hạn chế tối đa người vào trại, khi vào phải qua nhà sát trùng, tắm xà phòng và có thời gian cách ly ít nhất 24h mới được xuống trại.
  • Tăng cường chăm sóc đàn heo chu đáo, phòng bệnh bằng vaccine đối với các bệnh do virus như: Dịch Tả, Tai Xanh (PRRS), Lở Mồm Long Móng, Giả Dại, Circovirus…tăng cường sức đề kháng cho heo, có thể bổ sung thêm vitamin C, vitamin nhóm B, Beta glucan…
  • Nhập heo có nguồn gốc rõ ràng, phải có khu riêng nuôi cách ly heo mới nhập, để theo dõi tình trạng sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập heo. Giám sát tình hình sức khỏe toàn đàn heo hàng ngày, để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có nghi ngờ về bệnh này.
  • Có biện pháp diệt côn trùng, chuột trong trại. Không cho chó, mèo, gà, vịt vào trại heo,...
  •  
            6.Tình huống dịch bệnh DTHCP xảy ra

Khi một quốc gia bị nhiễm công bố ổ dịch đầu tiên, toàn bộ hoạt động buôn bán heo và sản phẩm từ heo phải bị cấm trên phạm vi toàn cầu. 
Khi dịch tả heo châu phi nổ ra: 
  • Phải nhanh chóng phát hiện ổ dịch nguyên phát và nguyên nhân gây bệnh
  • Giảm đàn bằng cách loại thải tất cả heo ở đàn bị nhiễm
  • Vệ sinh sát trùng toàn bộ trang thiết bị trong suốt 1 tháng sau khi giảm đàn
  • Diệt trừ côn trùng và loài gặm nhấm. Vệ sinh chất thải phân bằng NaOH 2%.
  • Tiêu hủy tất cả thức ăn tồn và sản phẩm động vật. Đốt tất cả chất độn chuồng
  • Vệ sinh sát trùng khu vực bán kính vài trăm km.
  • Cấm dịch chuyển thú sống, sản phẩm, cám ăn và những chất thừa trong khu vực được vệ sinh sát trùng.
  • Nghiêm cấm con người ra vào khu vực được vệ sinh sát trùng.
Phục hồi tái đàn:
  • Sau khi thực hiện, các biện pháp ở trên sẽ được gỡ bỏ từ từ (trong vài trường hợp đặc biệt vẫn giữ tối thiểu 3 tháng).
  • Sau khi vệ sinh sát trùng, cho nhập heo âm tính (sero-sentinel) để kiểm tra tình trạng trại.
  • Số lượng heo kiểm tra khoảng 10-20% quy mô đàn.
  • Nếu sau 1 tháng, heo không bị bệnh: bằng cách kiểm tra huyết thanh.
  • Nếu âm tính, cho phép trại tái đàn (từ các trại đã được kiểm soát)
  • Quy trình tái đàn thường hoàn thành trong vòng 3 tháng sau khi cho nhập heo kiểm tra.
  • Biện pháp an toàn sinh học và vệ sinh sát trùng để tránh truyền lây giữa các đàn và đóng vai trò quan trọng trong chương trình loại trừ mầm bệnh.  
          Nói chung, trong cuộc sống đời thường dù heo bị nhiễm bệnh DTHCP không có khả năng lây sang người, song các chuyên gia thú y cảnh báo khi lợn bị bệnh, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng...
         Đặc biệt, với bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái sống, tiết canh.
         Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...để giữ gìn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.
 
                                                                      Chung Hữu Nghị ( Tổng hợp)

Tổng điểm nội dung là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây