Định hướng sản xuất, liên kết và tiêu thụ lúa vụ Đông Xuân

Ngày 13/9/2018, UBND xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời đã tổ chức Hội thảo định hướng sản xuất, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ lúa vụ Đông Xuân năm 2018- 2019.
Giống lúa Bờ liếp hai
Giống lúa Bờ liếp hai

          Mục đích của Hội thảo là triển khai thực hiện sản xuất lúa đúng theo lịch thời vụ, kế hoạch sản xuất của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trần Văn Thời, nhằm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực năm 2018 của xã Khánh Hưng.

          Đánh giá tình hình sản xuất vụ lúa Hè Thu năm 2018, UBND xã cho biết: Thực tế hiện nay bà con thu hoạch khoảng 3.000 ha/4.800ha, năng suất ước đạt 3,6 - 4 tấn /ha. Năng suất thấp, giá bán chưa ổn định, đa số bà con sản xuất nhỏ lẻ, chưa được liên kết thành chuỗi sản xuất, chưa thông qua hợp đồng sản xuất với các doanh nghiệp, chọn nhiều loại giống khác nhau chưa tập trung quy mô lớn.

          Qua rà soát kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018, đa số bà con nhân dân sản xuất lúa cao sản chất lượng cao như giống lúa ST24 khoảng 60% diện tích tương đương 2.880 ha, còn lại các giống lúa khác như OM5451; Đài thơm 8; RVT…, chiếm khoản 40% diện tích tương đương 1.920 ha.

          Từ cơ sở nêu trên, trong cuộc hội thảo này, ông Phạm Văn Mịch giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp đã giới thiệu quy trình sản xuất giống lúa và khuyến cáo các giống lúa chất lượng sản xuất như OM 5451, OM 6162, RVT, Đài Thơm 8 và nhóm ST20, 24 để bà con lựa chọn.

          Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Trần Thức đã hướng dẫn quy trình sản xuất lúa an toàn; đề xuất định hướng xây dựng vùng lúa nguyên liệu lúa từ 100- 200 ha; nên sử dụng giống lúa trong danh mục cho phép, đối với các giống lúa mới khi sử dụng phải có hợp đồng, có cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giám sát và hỗ trợ. Đồng thời yêu cầu các cơ quan: Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống nông nghiệp, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cùng phối hợp giúp xã trong các khâu: tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thật, cung ứng giống lúa, giới thiệu các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu lúa thương phẩm…

          Chủ nhiệm HTX Kênh Hãng A cho biết: giống lúa ST24 sản xuất vụ Hè Thu năm 2018 phù hợp với vùng đất của HTX, cho năng xuất 4,5 tấn/ha. Chủ nhiệm HTX Rạch Lùm C cũng yêu cầu muốn sản xuất ST24 trong vụ Đông Xuân tới mong được hỗ trợ  sản xuất và cung cấp lúa giống...

          Doanh nghiệp Tấn Vương, Chợ Mới, An Giang cũng cho biết nhu cầu lúa an toàn là rất lớn, doanh nghiệp đang bao tiêu các dòng lúa ST20, ST24, Đài thơm 8… doanh nghiệp sẽ phối hợp bao tiêu sản phẩm của bà con nông dân.

         Ông Duy Quốc Tuấn Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT đề nghị xã phải có kế hoạch sản xuất cụ thể từng vùng, chỉ nên khuyến cáo nông dân sử dụng từ 1- 2 giống lúa chủ lực như OM 5451, OM 6162… đối với nhóm giống ST24 phải có hợp đồng bao tiêu trước khi tổ chức sản xuất.

          Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hưng Cao Văn Lượng tiếp thu các ý kiến của các đại biểu trong Hội thảo, hứa sẽ điều chỉnh bổ sung vào kế hoạch sản xuất sát với tình hình thực tế của địa phương. Phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, mặt trận và các đoàn thể từ xã đến ấp triển khai sâu rộng đến nhân dân nắm và thực hiện đạt hiệu quả trong sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018 và những năm tiếp theo.

          Xã Khánh Hưng là đơn vị đầu tiên trong tỉnh tổ chức Hội thảo định hướng sản xuất, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ lúa vụ Đông Xuân năm 2018- 2019. Đây là bước chuẩn bị kế hoạch chu đáo, nhằm định hướng cho nhân dân sản xuất lúa theo hướng liên kết nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.

Tác giả bài viết: Trung tâm Giống Nông nghiệp

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây