Lý do đằng sau nỗi ám ảnh "đúng giờ" của người Nhật
Có lẽ, Nhật Bản là một trong số ít quốc gia mà việc đi muộn vài giây có thể gây rắc rối lớn.
Hồi tháng trước, Nhật Bản đã rung chuyển bởi một vụ bê bối - Bộ trưởng Thế vận hội Quốc gia, Yoshitaka Sakurada, đã đến muộn 3 phút trong một cuộc họp quốc hội. Phe đối lập liền tổ chức biểu tình kéo dài 5 giờ để phê phán sự chậm trễ của Sakurada còn dân chúng thì phẫn nộ. Vài ngày sau, ông này đã đăng đàn và trực tiếp ra xin lỗi trước công chúng.
Không chỉ những nhân vật cao cấp. Đối với những nhà khai thác kinh doanh, tổ chức hay cá nhân... Đến đúng giờ là điều tối quan trọng khi sinh sống, làm việc ở Nhật Bản.
Năm ngoái, một chuyến tàu của JR-West Railway đã xuất bến sớm... 25 giây, khiến nhiều người liên quan bị chỉ trích, còn hãng đường sắt phải công khai xin lỗi trên nhiều phương tiện truyền thông vì "lầm lỗi nghiêm trọng". Thậm chí, họ còn cho biết "sự bất tiện lớn mà chúng tôi gây ra cho hành khách là không thể tha thứ."
Từ thuở bé, trẻ em Nhật Bản đã được giáo dục về sự đúng giờ.
"Cha mẹ tôi luôn nói rằng, điều quan trọng nhất là đừng đến muộn, hãy nghĩ về sự bất tiện mà tôi gây ra cho người khác dù chỉ chậm một chút so với kế hoạch. Điều đó đã in sâu trong trí não trẻ em Nhật..." Issei Izawa, sinh viên 19 tuổi cho hay.
Kanako Hosomura, người vợ 35 tuổi làm công việc nội trợ ở tỉnh Saitama, cho biết cô rất ghét thói đến muộn - dù chỉ là 1 phút.
"Tôi thà đến sớm và chờ đợi còn hơn để người khác chờ đợi tôi," Kanako cho biết. Ngoài ra, cô sẽ không chơi bời với những người có giữ thói quen đến muộn, gây ảnh hưởng đến người khác.
Tuy nhiên, với nhiều người Nhật, yếu tố văn hóa này đôi khi khiến họ stress nặng nề.
"Bạn gái tôi làm việc tại trung tâm cuộc gọi của JR Railways. Tuần trước, cô ấy trở về văn phòng sau giờ giải lao và người giám sát nói 'cô đã trễ 10 giây' và nhận ngay cảnh cáo về việc muộn giờ. Điều này thật khắc nghiệt." Một người đàn ông giấu tên cho hay.
Nỗi ám ảnh "đúng giờ" của người Nhật đã không ít lần trở thành chủ đề hài hước của du khách nước ngoài. Nhưng trên thực tế, việc đi làm muộn có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Tạm rời xa nước Nhật. Ở Anh, việc viên chức đi muộn đã gây thiệt hại tới 11,7 tỷ USD cho nền kinh tế vào năm 2017 (theo báo cáo của Heathrow Express).
Thậm chí, có hơn 50% số người được hỏi cho hay họ thường xuyên đi làm, đi họp muộn.
Còn ở Mỹ, việc đi muộn cũng gây thiệt hại không kém. Theo một báo cáo của tạp chí Inc. trong năm 2018 - người lao động đi làm muộn khiến New York mất 700 triệu USD mỗi năm. Còn California mất hơn 1 tỷ USD.
Ít ai biết rằng, không phải lúc nào người Nhật cũng tôn trọng thời gian - cho đến cuối những năm 1800 - nước Nhật tiền công nghiệp có thái độ thoải mái hơn nhiều với việc đi muộn.
Willem Huyssen van Kattendijke, một sĩ quan hải quân Hà Lan đến thăm Xứ sở hoa Anh đào vào những năm 1850s và viết lại trong nhật kí rằng: Người dân địa phương hiếm khi đúng giờ, họ nhàn rỗi đến kinh ngạc. Vào thời điểm đó, các chuyến tàu ở Nhật thường xuyên chạy chậm hơn 20 phút so với lịch trình.
Theo nghiên cứu của Đại học Duke - Trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân (1868 - 1912), Thiên hoàng Minh Trị đã bãi bỏ chế độ phong kiến, thực hiện cải cách công nghiệp và quân sự - đến lúc đó, việc đi đúng giờ mới trở thành chuẩn mực văn hóa.
Đặc điểm này được coi là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự tiến bộ thần kỳ của một Nhật Bản nông nghiệp sang xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa.
Trường học, nhà máy và đường sắt - là những tổ chức chính dẫn đầu sự thay đổi xã hội này. Các nhà máy áp dụng triệt để "Taylorism", hệ thống quản lý giúp tiết kiệm hiệu quả, tăng năng suất lao động nhờ băng tải và dây chuyền lắp ráp.
Chưa hết, vào thời điểm đó, đồng hồ đã trở thành vật dụng phổ biến và chuyện đi làm 24 tiếng mỗi ngày trở thành việc bình thường. Theo nhà nghiên cứu xã hội Ichiro Oda, trên tất cả, nỗ lực đó diễn ra khi người Nhật hiểu được "thời gian chính là tiền bạc."
Đến năm 1920, "đúng giờ" trở thành một phần trong công tác tuyên truyền của chính phủ Nhật. Nhiều poster hướng dẫn cách làm việc nhanh và hiệu quả được in ấn và phát cho người dân. Ví dụ: Hướng dẫn làm tóc trong 5 phút cho phụ nữ, dịp quan trọng cũng chỉ cho tối đa 55 phút.
Kể từ đó đến nay, đúng giờ đã trở thành tôn chỉ, gắn liền với năng suất của các công ty Nhật.
Tác giả bài viết: pvm (sưu tầm)
Nguồn tin: Tham khảo SCMP