Ngày 02/7/2020, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ tổ chức hội thảo với chủ đề hội thảo phát triển công nghệ sinh học theo định hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tham dự của các đại biểu từ các viện, trường, sở, trung tâm giống,... Nhằm giới thiệu những xu hướng công nghệ mới và những kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Qua đó, xúc tiến chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm công nghệ. Hội thảo đã báo cáo một số chuyên đề sau:
- Chuyên đề 1:"Ứng dụng các chủng vi sinh dị dưỡng xử lý ô nhiễm nitơ và phosphate trong nuôi trồng thủy sản", nhóm tác giả Nguyễn Hữu Thanh và cộng sự. Nội dung chính của chuyên đề là xử lý chất thải từ quá trình sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi và thủy sản xuất hiện ngày nhiều quá trình thâm canh. Chất thải này gây ô nhiễm cho quá trình nuôi và gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh khi chúng thoát ra môi trường. Nồng độ tích lũy các chất NH3, NH₄⁺, NO2, H₂S... ngày càng tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Để xử lý ô nhiễm, các vi khuẩn nitrat hóa ... được sử dụng rất phổ biến nhưng thường không hiệu quả cao, do vậy việc sử dụng nhóm vi sinh vật dị dưỡng ngày càng nhiều được chú ý do đặc tính sinh lý của chúng phù hợp. Tuyển chọn các chủng vi sinh vật có khả năng hấp thụ chuyển hóa nhanh NH3, NH₄⁺, NO2, H₂S là một xu hướng tất yếu hiện nay. Kết quả thu được các nhóm vi khuẩn dị dưỡng dùng sản xuất chế phẩm phục vụ phân giải khí độc trong nước như: Bacillus sp, Pseudomonas sp, Acinetobacter sp...
- Chuyên đề 2:"Cải thiện quá trình sản xuất và chức năng của Exopolysaccharide (EPS) từ vi khuẩn Lactic (LAB) bằng kỹ thuật stress môi trường", nhóm tác giả Nguyễn Phú Thọ và cộng sự. Nội dung chính chuyên đề đã nêu rõ tiềm năng to lớn của EPS từ LAB trong thực phẩm, dược phẩm và y tế... EPS là các polymer tự nhiên có nhiều chức năng sinh học quan trọng và là một trong những thành phần chính trong cấu tạo nên vách tế bào của vinh vật sống, bao gồm cả vi khuẩn.EPS có thể sản xuất bởi thực vật, tảo, nấm và vi khuẩn. Trong các vi khuẩn có thể sản xuất EPS, LAB được chú ý nhiều nhất vì khả năng sản xuất EPS mạnh. Các loài Streptococcus, Lactococcus, Pediococcus, Lactobacillus,Leuconostoc và Weissellalà các chủng LAB thường được sản xuất EPS. EPS từ LAB được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm để cải thiện cấu trúc và cảm quang các sản phẩm sữa và bánh ngọt lên men như sữa chua, phô mai và bánh mì. EPS từ LAB có thể kích thích và điều chỉnh hệ thống miễn dịch, làm giảm cholesterol trong máu. Sự đóng góp của biopolymer cho thị trường thương mại vẫn còn hạn chế. Sự chuyển hóa vi khuẩn được cải thiện đáng kể bằng cách sử dụng stress môi trường. Stress môi trường như nhiệt độ, pH, thẩm thấu,...được xem là nhân tố hữu ích giúp kích thích và thay đổi tích cực quá trình sinh tổng hợp EPS ở LAB.
- Chuyên đề 3:"Giới thiệu công nghệ của Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ SatiCus". Công ty chuyên cung cấp thiết bị cho thị trường phân tích và thí nghiệm khoa học, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dược phẩm, thực phẩm..., giới thiệu một số thiết bị ứng dụng trong công nghệ sinh học như máy quang phổ Raman cầm tay, kính hiển vi sinh học 3 mắt, tủ sấy EHT, thiết bị làm mát...
- Chuyên đề 4:"Tham luận tầm soát các tác nhân gây bệnh dựa trên hệ thống SPOT CHECK PCR", do Công ty TNHH Sinh hóa Phù Sa báo cáo.Hệ thống SPOT CHECK PCR do Công ty TNHH Sinh hóa Phù Sa sản xuất và cung cấp. Hệ thống SPOT CHECK PCR cho phép phát hiện các tác nhân gây bệnh ở giai đoạn sơ khởi, hạn chế vấn đề nhiễm chéo bệnh... chi phí đầu tư thấp hơn so với Real-time PCR. Đây cũng là sản phẩm của đề tài "Nghiên cứu cấp Quốc gia Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh Spot Check để sàng lọc chủng SARS-CoV-2" do Công ty TNHH Sinh hóa Phù Sa chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Hội thảo thông qua bốn chuyên đề và thảo luận về nội dung các chuyên đề đã báo cáo. Phát biểu tại hội thảo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ đã tóm lại nội dung của buổi hội thảo và qua đó nhấn mạnh Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ sẽ là cầu nối giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp để xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm công nghệ; đưa các ứng dụng khoa học công nghệ đi vào thực tiễn đời sống.
Qua buổi hội thảo,các đại biểu đã đánh giá cao việc ứng dụng phát triển công nghệ sinh học theo định hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 là nhu cầu cần thiết,là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Phương Thúy (tổng hợp)