Ngày 22/3/2017 Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia (VPCT KHCN) tổ chức Hội nghị tọa đàm “ Giới thiệu và hướng dẫn tham gia các chương trình Khoa học & Công nghệ quốc gia”.
Thành phần tham dự có :
- Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia:
+ Tiến sĩ Đỗ Văn Long – Giám đốc.
- Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Cà Mau:
+ Ông Phan Tấn Thanh - Phó Giám đốc.
+ Ông Châu Văn Thọ - Phó Giám đốc.
- Khách mời tham gia: Các Sở, các Trung tâm, các trường Đại học, Cao Đẳng, Trung cấp kỹ thuật, các doanh nghiệp v.v..
Nội dung tọa đàm: Tiến sĩ Đỗ văn Dũng trình bày quan điểm của (VPCT KHCN) là lấy doanh nghiệp làm Trung tâm để đổi mới và ứng dụng khoa học & công nghệ, tập trung các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư “tới ngưỡng” để hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao.
Danh mục chương trình:
1. Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020:
Các sản phẩm quốc gia đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 6 nhóm sản phẩm chính thức:
- Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao.
- Sản phẩm thiết bị siêu trường, siêu trọng.
- Sản phẩm an ninh, an toàn mạng thông tin.
- Sản phẩm động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải.
- Sản phẩm vaccine phòng bệnh cho người và vật nuôi của Việt Nam
- Sản phẩm phục vụ an ninh và quốc phòng
Và 3 nhóm sản phẩm dự bị:
- Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn.
- Các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu.
- Sản phẩm vi mạch điện tử.
2. Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020:
Có 3 chương trình thành phần:
- Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ( Bộ Nông nghiệp & PTNT chủ trì)
- Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao (Bộ Công thương chủ trì)
- Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao ( Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì).
3. Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020:
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 tập trung phát triển số lượng và chất lượng của doanh nghiệp, nhân lực quản lý doanh nghiệp trong việc thực hiện đổi mới công nghệ, làm chủ và tạo ra công nghệ tiên tiến.
4. Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Chương trình 592):
Chương trình 592 được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu:
Tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ hình thành phát triển doanh nghiệp khoa học & công nghệ. Vận động các nguồn lực xã hội để phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, phát triển thị trường khoa học & công nghệ.
Tăng cường năng lực tự chủ cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
5. Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020.
Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020 có mục tiêu nâng cao khả năng phối hợp, tiếp thu, làm chủ các thành tựu khoa học & công nghệ tiên tiến, sáng tạo ra công nghệ mới, góp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ với giá trị tăng cao.
6. Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020:
Hướng đến mục tiêu tìm kiếm, đánh giá, tư vấn và chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới của các doanh nghiệp trong nước.
7. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Đề án được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”
Ngoài ra còn có các văn bản quản lý có thể được tìm kiếm và tải về trên mạng internet khi các đối tác có yêu cầu tìm hiểu và sử dụng.
Sau khi được giới thiệu nội dung của Chương trình, các đại biểu tham gia ý kiến cho rằng các nội dung của Chương trình tương đối mới với tỉnh Cà Mau, chưa từng được thực hiện. Do vậy khi tiếp cận sẽ gặp nhiều trở ngại, khó khăn; rất cần sự hỗ trợ thêm của phía Văn phòng các Chương trình Khoa học & Công nghệ quốc gia. Thời gian sắp tới các đại biểu sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm và tham gia trong tương lai./.