Kết quả phục tráng, khảo nghiệm, đánh giá các giống lúa đã được chuyển giao trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Kết quả phục tráng, khảo nghiệm, đánh giá các giống lúa đã được chuyển giao trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tại Hội thảo- Hội nghị giao ban KHCN cấp huyện năm 2018
Hội nghị giao ban KHCN
Hội nghị giao ban KHCN

      Trung tâm Giống Nông nghiệp là đơn vị hoạt động Khoa học và Công nghệ. Trung tâm đã tiếp nhận và chuyển giao các kết quả nghiên cứu ứng dụng và thực hiện các Dự án sản xuất thử nghiệm Khoa học công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao, nhằm nhân rộng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. 
          Kết quả triển khai thực hiện nổi bật:
          1. Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và phát triển giống lúa mùa địa phương phục vụ cho vùng sản xuất lúa mùa và lúa – tôm tỉnh Cà Mau
        Sau khi tiếp nhận nguồn giống ban đầu đã phục tráng 400kg, gồm: giống Một bụi đỏ, Một bụi lùn, Tài nguyên sữa và Tép hành từ Viện Nghiên cứu - Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long  – Trường ĐHCT. Trung tâm Giống Nông nghiệp tiến hành triển khai thực hiện dự án với qui mô 510 ha.
         Kết quả dự án sản xuất được trên 800 tấn giống cấp xác nhận và tương đương  phục vụ vùng sản xuất lúa mùa và lúa tôm của tỉnh. Ngoài ra, hàng năm Trung tâm Giống Nông nghiệp bố trí diện tích 3,5 ha để trồng tiếp tục chọn lọc và duy trì các giống lúa mùa.
         Năm 2015-2017, Trung tâm Giống nông nghiệp đã sản xuất  trên 300 tấn lúa giống các loại, cung ứng sản xuất khoảng 5.000 ha, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu sử dụng giống cho vụ lúa - tôm của nông dân trong tỉnh. Góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa hàng hóa, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
          2. Đề tài nghiên cứu tuyển chọn giống lúa chịu mặn, chất lượng cho vùng lúa tôm tỉnh Cà Mau.
         Phối hợp với TS Võ Công Thành Trường Đại học Cần Thơ thực hiện. Đã nghiên cứu được 02 giống lúa mới tạm đặt tên là Camau1 và Camau2 có khả năng chịu mặn giai đoạn mạ trên 4 %o. Thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, đây là lần đầu tiên tỉnh Cà Mau nghiên cứu thành công giống lúa mang tên Cà Mau, giống lúa Camau1 sẽ được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong năm 2018.
        3. Đề tài Bảo tồn và phát triển các giống lúa mùa và lúa hoang của tỉnh Cà Mau:
      Qua kết quả khảo sát, thu thập và xác định được 38 nguồn gen các giống lúa mùa, phù hợp với điều kiện canh tác của tỉnh Cà Mau; đã chọn được 02 giống lúa mùa: Giống Ba bông mẳn có hàm lượng amylose 17,2 - 23,8% (ngon cơm), có khả năng chịu mặn trên 4%0. Năng suất thực tế đạt 4.0 tấn/ha.   Giống lúa Bờ liếp hai (Một bụi bờ đìa) hàm lượng amylose 19,4 - 24,2%, Năng suất thực tế đạt 4.0 tấn/ha, phù hợp cho vùng sản xuất  lúa - tôm, lúa - cá của tỉnh Cà Mau.
       Trung tâm Giống đã tiếp nhận 120 kg giống cấp siêu nguyên chủng và đã nhân ra diện tích 20ha tại Trại Giống Nông nghiệp Khánh Lâm 1, đã thu hoạch được 70 tấn lúa giống cung ứng sản xuất vụ mùa năm 2018.
         4. Đề tài xây dựng nhãn hiệu chứng nhận:
       Gạo đặc sản lúa mùa Một bụi lùn, Tài nguyên đục và Tép hành của Cà Mau do Ts. Đặng Minh Tâm, Viện Lúa ĐBSCL  làm chủ nhiệm. Mục tiêu là xây dựng nhãn hiệu chứng nhận: Gạo đặc sản lúa mùa Một bụi lùn, Tài nguyên đục và Tép hành của Cà Mau nhằm nâng cao giá trị kinh tế và uy tín cho sản phẩm gạo lúa mùa địa phương mang nhãn hiệu chứng nhận của Cà Mau. Và kết quả hiện nay đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu gạo Một bụi lùn, gạo Tài nguyên đục và gạo Tép hành Cà Mau. Đây là cơ sở để phát triển lúa gạo đặc sản, đặc thù của tỉnh Cà Mau.
          5. Định hướng trong thời gian tới:
         Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa – tôm tỉnh Cà Mau thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và ủy quyền địa phương quản lý.
          Mục tiêu của dự án là Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa – tôm tỉnh Cà Mau nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo có chất lương tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất.
         Nội dung dự án bao gồm: Chuyển giao công nghệ và qui trình công nghệ; Đào tạo, tập huấn và xây dựng mô hình sản xuất lúa VietGAP.
Đã tổ chức lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật GAP và VietGAP tại Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau, do Tiến sỹ Đào Minh Sô, Trưởng phòng Nghiên cứu cây lương thực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam thực hiện. Thông qua lớp tập huấn giúp cho cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau nắm bắt được những vấn đề về sản xuất lúa VietGAP nhằm ứng dụng vào sản xuất thực tế tại trại và sản xuất tại địa phương.
          Đồng thời Trại Giống nông nghiệp Khánh Lâm cũng tổ chức sản xuất mô hình nhân giống lúa cấp nguyên chủng: Qui mô: 05 ha nguyên chủng. Trong đó: 4,5 ha giống lúa Tài nguyên và 0,5 ha giống lúa Tép Hành. Ruộng lúa giống sinh trưởng và phát triển rất tốt và đã thu hoạch.
          Dự án VietGAP trên lúa đối với tỉnh Cà Mau còn rất mới, nhưng với sự cố gắng và hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam  bước đầu đã thực hiện theo đúng tiến độ về khối lượng và đảm bảo chất lượng của sản phẩm dự án và ứng dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh và sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện từ năm 2018- 2020.

Tác giả bài viết: KS. Phạm Văn Mịch

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây