Tham dự Hội nghị Quốc tế về nông nghiệp lần thứ 20 tại Israel

Rau thủy canh

Rau thủy canh
Từ ngày 6/5/2018 đến ngày 11/5/2018 Ông Phạm Văn Mịch Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã cùng Đoàn tham dự Triển lãm và Hội nghị Quốc tế về nông nghiệp lần thứ 20 tại Israel.
Trong Chương trình đi có buổi khảo sát và làm việc với Teshuva Agricultural Projects (TAP): Chuyên tư vấn, giám sát, thiết kế, lập kế hoạch, cung ứng vật tư, thực hiện dự án chìa khóa trao tay liên quan đến nhà kính trồng thủy canh các loại rau ăn lá, củ quả. Đoàn được giới thiệu tổng thể mô hình từ khi xây dựng nhà kính đến quá trình canh tác, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.
Chi phí làm nhà kính khoảng 1 triệu USD/ha và có nhà kính nhỏ 50.000 USD/500 m2 , Công ty sẵn sàng chuyển giao công nghệ trọn gói. Với hơn 60 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực trồng trọt, Công ty  đã áp dụng thành công công nghệ nhà kính tại nhiều quốc gia trên thế giới, Công ty đã chuyển giao cho VinGroup Việt Nam.
Khảo sát và làm việc với Netafim, nhà cung cấp hàng đầu về công nghệ tưới nhỏ giọt thông minh, nhà kính, thiết bị bón phân định lượng, hạt giống và kỹ thuật canh tác hiện đại. Netafim cũng đã có chi nhánh tại Việt Nam để cung cấp các sản phẩm.
Đoàn tiếp tục khảo sát tại Triển lãm và Hội nghị nông nghiệp quốc tế (Israel Agritech 2018) lần thứ 20 tại Trung tâm Hội nghị triển lãm Quốc gia ở thành phố Tel Aviv - Israel, với chủ đề “Công nghệ sau thu hoạch”.




 
Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Israel Agritech 2018 là một trong những triển lãm quan trọng nhất thế giới về nông nghiệp công nghệ cao, do Bộ Ngoại Giao và Bộ Kinh tế Israel phối hợp tổ chức định kỳ 3 năm 1 lần từ năm 1958 với mục tiêu quảng bá các công nghệ tiến tiến của Israel trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp các doanh nghiệp Israel và doanh nghiệp nước ngoài kết nối với nhau. 
Triển lãm lần này có quy mô khoảng hơn 250 gian hàng và đã thu hút hơn 10.000 lượt khách tham quan. Nhiều hội nghị chuyên môn cũng đã được tổ chức trong khuôn khổ của cuộc triển lãm. Các hội nghị chủ yếu tập trung vào những thách thức liên quan đến sản xuất nông nghiệp và canh tác trên các khu vực sa mạc và những thành tựu đạt được. Sự nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước và sa mạc hóa là những thách thức mới hiện nay đòi hỏi các phương pháp tiếp cận sâu và bền vững để phục vụ cho việc việc canh tác nông nghiệp hiệu quả.
Tại sự kiện này, các đại biểu và khách tham dự có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành nông nghiệp Israel như sinh thái học trong nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp, máy móc nông nghiệp, xe nâng và thiết bị cầm tay, phân bón và chất hoá học, chăn nuôi và sản xuất sữa, nguyên liệu nhân giống, trồng trọt có màng che, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, thuỷ hải sản, nghề trồng hoa, nhà kính, bảo vệ thực vật, tiếp thị và dịch vụ xuất khẩu…
Israel Agritech 2018 đã thu hút sự tham dự của nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp của Israel và một số nước trên thế giới. Tham dự triển lãm, phía Việt Nam có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và nhiều doanh nghiệp từ các tỉnh thành trong cả nước. 
Đất nước Israel rất khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp vì thuộc vùng sa mạc, nhưng nhờ vào công nghệ cao, được tích hợp lại và tổ chức sản xuất thành công công nghệ trồng rau thủy canh và công nghệ tưới nhỏ giọt. Israel đã biến cái khó khăn thành cái lợi thế của họ. Công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel độc quyền sản xuất và được chuyển giao cho nhiều nước trên thế giới.  
Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhưng công nghệ còn tụt hậu. Hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nam, Đồng Nai...đang triển khai thực hiện công nghệ cao nhà lưới và tưới nhỏ giọt trong sản xuất rau, củ, quả... và đã thành công bước đầu. Tỉnh Cà Mau đang lập Đề án xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm.

Tác giả bài viết: KS. Phạm Văn Mịch

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây