Tham quan học tập khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Để tạo điều kiện cho việc lập Dự án trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện có hiệu quả. Sở Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức đoàn cán bộ, do ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở, Trưởng đoàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại hai khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Sở Nông nghiệp & PTNT đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau giao đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng khu sản xuất Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao của tỉnh. Để tạo điều kiện cho việc lập Dự án trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện có hiệu quả. Sở Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức đoàn cán bộ, do ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở, Trưởng đoàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại hai khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
1. Tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn đã được bà Nguyễn Thị Huệ, phó giám đốc trung tâm giới thiệu:
Chức năng của trung tâm là Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực và Dịch vụ khoa học kỹ thuật.
Nhiệm vụ là xây dựng, triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ nhằm hoàn thiện công nghệ sản xuất; lai tạo và thử nghiệm giống mới; nghiên cứu bảo quản và chế biến nông sản; Thực hiện trình diễn các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao công nghệ; Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, các lớp tập huấn để phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao cho ngành nông nghiệp; Thực hiện hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp với các tổ chức trong và ngoài nước; tổ chức sản xuất thử nghiệm, kinh doanh các chế phẩm sinh học, giống cây trồng, cá cảnh và nguyên vật liệu nông nghiệp; tổ chức hội thảo, hội chợ quảng bá mô hình và sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao;
Nghiên cứu khoa học là hoạt động chủ yếu tại Trung Tâm, gồm các lĩnh vực: Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản; Công nghệ sau thu hoạch; Công nghệ Tế bào thực vật; Công nghệ di truyền; Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cây trồngvà Công nghệ vi sinh ứng dụng.
Sản phẩm bao gồm: Cá cảnh, cây ăn quả, Hoa Lan, nhóm rau ăn lá, rau ăn quả, nấm, cây đô thị và hệ thống thủy canh.
Trung tâm là nơi quy tụ các nguồn lực, năng lực công nghệ cao trong nông nghiệp, thực hiện theo hướng nền nông nghiệp đô thị, là nơi nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, thương mại hoá công nghệ, hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế trang trại...
2. Tại Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao tỉnh Bến tre.
Đoàn được nghe Giám đốc Trung tâm bà Trần Thanh Tâm cho biết: Tỉnh Bến Tre có ba loại cây trồng được các quốc gia trên thế giới chọn ứng dụng công nghệ cao đem lại thành công là: hoa, cây cảnh, quả đặc sản. Đây là sản phẩm hàng hóa đặc hữu, thể hiện nét đặc trưng, độc đáo, có đủ điều kiện ứng dụng công nghệ cao và tạo đột phá bởi công nghệ cao, có thị trường tiêu thụ. Đồng thời công nghệ ứng dụng cho các đối tượng này có tính thương mại hóa cao khi chuyển giao. Nhân giống cây trồng bằng công nghệ sinh học - ứng dụng các công nghệ cao đã được thương mại hóa - đem lại chất lượng rất tốt. Cây con giống nhân bằng công nghệ cao có độ đồng nhất về di truyền, có sức sống cao, sạch bệnh, sau khi đưa vào nuôi trồng khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, tạo ra sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế: Viet-GAP, Global GAP, EUREP GAP, GAP,…Vì vậy, mà Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Bến Tre ra đời.
Qua 03 năm thực hiện, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Bến tre đã được nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng gồm:
Khu Hành chính, tập huấn chuyển giao công nghệ: Là trung tâm điều hành, quản lý và cung cấp các dịch vụ, hỗ trợ cho mọi hoạt động. Trong Khu bố trí văn phòng; nhà công vụ; hội trường 100 chỗ, nhà kho 500 tấn, kho lạnh 20m2, nhà sấy...
Khu trình diễn mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Là nơi nghiên cứu, ứng dụng, thực nghiệm, trình diễn các công nghệ, sản phẩm nhằm quảng bá, chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất. Đồng thời có Phòng Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.
Vườn thực nghiệm, sưu tập cây đạt giải, lưu giữ cây đầu dòng. Khu khảo nghiệm giống thực hiện khảo nghiệm, sản xuất thử, trình diễn giống lúa hàng vụ cho tỉnh. Cửa hàng trưng bày sản phẩm Nông nghiệp Công nghệ cao và các trại giống trực thuộc.
Sản phẩm tạo ra là Mô hình ứng dụng hệ thống bón phân, tưới nước nhỏ giọt, hệ thống cung cấp dinh dưỡng hoàn toàn tự động và cơ giới hóa 100%. Mô hình trồng rau quả chất lượng cao trong nhà màng (Dưa lưới và các loại rau ăn lá), cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, hơn hẳn so với cây trồng trong điều kiện bình thường, năng suất thu được lên đến 10 tấn/ha.
Mô hình ứng dụng công nghệ xử lý, đóng gói và bảo quản một số loại rau ăn lá sau thu hoạch có thể kéo dài thời gian sử dụng của rau ăn lá từ 12- 14 ngày. Sản phẩm rau đưa đến tay người tiêu dùng được đảm bảo chất lượng tốt gần như ban đầu, mẫu mã đẹp, rau tươi xanh mọng nước, không bị thối hỏng hay có mùi lạ.
Mô hình ứng dụng công nghệ che phủ nylon, hay công nghệ sử dụng ưu thế lai trong chọn tạo giống, công nghệ sinh học đều giúp năng suất vượt trên 30% năng suất thông thường...
Thông qua việc tham quan, học tập tại hai trung tâm. Dựa vào tiềm năng lợi thế so sánh của tỉnh Cà Mau. Đoàn chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất học tập Mô hình của Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao tỉnh Bến tre (có điều chỉnh). Vì có nhiều điểm tương đồng với Cà Mau và có khả năng phát triển trong hiện tại và tương lai.
Phạm Văn Mịch và Tô Hồng Khuyến
TRUNG TÂM GIỐNG NÔNG NGHIÊP TỈNH CÀ MAU