Trong những năm qua việc đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã thúc đẩy năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa tăng đáng kể, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các giống lúa chất lượng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được. Sản xuất lúa gạo của Cà mau còn gặp nhiều khó khăn hạn chế: Quy mô sản xuất hộ nông dân nhỏ lẻ, diện tích đất nông hộ thấp; Sản xuất chưa theo sát yêu cầu từ thị trường; sử dụng giống chất lượng thấp còn nhiều, sử dụng nhiều loại giống trên cùng cánh đồng; Chất lượng vật tư đầu vào chưa được quản lý tốt; Nông dân còn sản xuất lúa theo tập quán; tỷ lệ nông dân áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, VietGAP,...) còn thấp; Đặc biệt có một thách thức mà người sản suất lúa đang gặp phải như: thiên tai, dịch bệnh ngày càng nhiều, giá lúa giảm và việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa chất lượng cao cần quan tâm một số vấn đề như sau:
1. Chọn giống lúa chất lượng cao
Giống chất lượng cao gồm một số giống chủ lực như: OM6162, OM4900, RVT, ST20, Đài Thơm 8. Đây là những giống lúa có lúa năng suất cao, cứng cây, bông chùm, đẻ nhánh khỏe, ít nhiễm sâu bệnh, phẩm chất tốt, có mùi thơm nhẹ, dễ tiêu thụ trên thị trường, thích nghi với điều kiện sản xuất tại Cà Mau nhất là vùng ngọt hóa.
2. Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật:
- Chọn thời điểm gieo cấy để cây lúa trổ vào thời kỳ thích hợp nhất:
Ở mỗi vụ sản xuất (Hè Thu, Đông Xuân) đều có các thời điểm và điều kiện khí hậu, thời tiết thuận lợi cho cây lúa trổ bông, thường điều khiển thời vụ bằng cách gieo sạ đúng lịch nhằm cho cây lúa trổ vào giai đoạn không bị mưa nhiều, có thời gian nắng trong ngày nhiều.
Theo kinh nghiệm sản xuất thì ở ĐBSCL Vụ Hè Thu nên xuống giống vào tháng 5 khi đã có mưa, tránh được thời tiết quá nắng nóng. vụ Đông Xuân nên xuống giống sớm (trong tháng 11). Lúa Đông Xuân xuống giống vào thời gian này rất thích hợp cho cây lúa phát triển, ít sâu bệnh và khi thu hoạch hoàn toàn không gặp mưa.
- Tác động bằng các biện pháp kỹ thuật để cây lúa có số nhánh hữu hiệu cao:
Một ruộng lúa có năng suất cao phải có số nhánh thành bông nhiều nhất, các bông to đều và số hoa tạo thành hạt với tỷ lệ cao nhất. Cây lúa có 3 thời kỳ sinh trưởng chủ yếu là: Thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng, thời kỳ sinh trưởng sinh thực và thời kỳ chín. Mỗi thời kỳ, cây lúa đều có đặc tính phát triển riêng ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Trong thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng tức là giai đoạn từ khi sạ đến 40 ngày sau khi sạ hoặc cấy. Lúc này cây lúa đang hình thành lá và một phần thân, cần có sự cân đối giữa sinh trưởng nhánh và sinh trưởng lá sao cho số nhánh mới sinh ra đều, to, khỏe là tiền đề cho những bông tốt sau này. Các nhánh đẻ muộn, số lá ít thường bị cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng sẽ không có khả năng chuyển tiếp sang thời kỳ sinh trưởng sinh thực và trở thành nhánh vô hiệu. Trong giai đoạn này, số nhánh hình thành sớm sẽ quyết định số bông lúa hữu hiệu sau này. Vì thế, trong giai đoạn lúa đẻ nhánh cần chú ý các biện pháp sau:
- Chăm sóc tốt, làm sạch cỏ không cho cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng với nhánh lúa.
- Bón phân tập trung, kịp thời khi nhánh lúa bắt đầu đẻ, thường đối với lúa có thời gian sinh trưởng 95 - 100 ngày thì nên bón thúc lần 1 là 7 - 10 ngày sau sạ hoặc cấy để kích thích đẻ nhánh, lượng phân bón trong giai đoạn này chủ yếu là đạm và lân. Với phân lân thì nên bón lót hoặc thúc hết ở giai đoạn này; với phân đạm thì bón 30% trong tổng lượng đạm cả vụ; phân kali chỉ bón 20% tổng lượng cả vụ. Bón thúc lần 2 vào giai đoạn 18 - 22 ngày sau sạ để nuôi những nhánh lúa hữu hiệu đã đẻ ra, lượng phân bón chủ yếu là đạm chiếm 40 - 50% lượng đạm cả vụ, không nên bón phân đạm quá trễ (35 - 40 ngày) sẽ kéo dài thời gian đẻ nhánh làm tăng số chồi vô hiệu.
- Phòng trừ sâu đục thân gây hại bụi lúa, đảm bảo mật độ hợp lý để cây lúa đẻ nhánh.
- Điều chỉnh nước trong giai đoạn này có tác dụng thúc lúa đẻ nhánh hữu hiệu và khống chế đẻ nhánh vô hiệu bằng cách giữ mực nước vừa phải chỉ để ngập gốc lúa, khi bón phân thúc vừa có tác dụng hòa tan phân bón, cây hấp thu tốt vừa có tác dụng tạo đủ ẩm độ cho lúa đẻ nhánh tối đa, đến khoảng 30 - 35 ngày sau sạ cho nước ngập gốc lúa 5 - 7 cm không cho lúa đẻ nhánh vô hiệu. Trước khi bón đón đòng (45 - 50 ngày) rút nước phơi ruộng vài ngày để cây lúa cứng cáp hơn chuẩn bị sang giai đoạn tiếp theo.
- Điều khiển để ruộng lúa cho số bông tối ưu:
Năng suất lúa được hình thành từ các yếu tố chính như: số bông/m2, số hạt chắc/bông và trọng lượng hạt. Kết thúc thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng, cây bắt đầu bước vào thời kỳ sinh trưởng sinh thực, giai đoạn đầu của thời kỳ này là giai đoạn vươn lóng, các biện pháp chú ý để điều khiển cây cho số bông tối ưu là:
- Bón phân tập trung ở giai đoạn vươn lóng (50 - 55 ngày): bón hết phần phân kali còn lại để phân hóa đòng nhanh, không nên bón nhiều đạm quá mức cần thiết vào giai đoạn này sẽ làm đổ ngã và kéo dài thời gian sinh trưởng.
- Phòng trừ các loại bệnh hại ngay từ khi lúa bắt đầu trổ vì trong giai đoạn này thường xuất hiện các loại bệnh hại như: Đạo ôn, vàng lá lúa, cháy bìa lá... Chủ động áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM). Nếu có sử dụng thuốc, nên sử dụng các loại thuốc trừ bệnh phổ rộng đảm bảo trên ruộng luôn sạch vết bệnh cho đến khi thu hoạch.
- Tác động cho ruộng lúa có số bông hữu hiệu cao, ít lép:
Sau khi hình thành đòng, lúa trổ bông, để có được những bông lúa to, khỏe, tỷ lệ hạt chắc cao cần chú ý các biện pháp:
- Phòng ngừa bệnh kịp thời.
- Bổ sung thêm phân bón 5 - 10% lượng phân, phải quan sát kỹ và chỉ bổ sung khi lượng dinh dưỡng trên ruộng có hiện tượng thiếu, thường khi lá vẫn xanh đậm vào giai đoạn mưa thì hạn chế bón phân đạm tăng lượng kali sẽ giúp cho cây lúa cứng, trổ đều, tăng hạt chắc, sáng, đẹp.
- Giữ mức nước trên ruộng đủ ẩm, chỉ nên rút khô ruộng khi lúa đã vào giai đoạn chín.
- Thu hoạch đúng lúc:
Thu hoạch sớm quá thì một số hạt trên bông chưa đầy, nếu thu hoạch quá trễ thì một số hạt phía cuối bông chín quá dễ rụng. Do đó thời điểm thu hoạch tốt nhất là khi số hạt trên bông chín từ 85 - 90%.
Ngoài ra hiệu quả của sản xuất còn tùy thuộc vào giá cả sản phẩm, mà điều này còn phụ thuộc vào chất lượng hạt lúa. Do đó việc phơi sấy và tồn trữ sau khi thu hoạch cũng là một yếu tố không thể thiếu trong nghề trồng lúa. (Không nên bán lúa tươi)
Để có được ruộng lúa đạt năng suất cao, việc nắm vững những đặc tính sinh lý của cây, tác động kỹ thuật phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng sẽ giúp cây phát triển tốt, sử dụng hiệu quả lượng phân bón, chọn thời điểm thu hoạch thích hợp, có cách phơi sấy đúng cách là những yếu tố giúp người nông dân thu được hiệu quả kinh tế cao trong nghề sản xuất lúa.
3. Người sản xuất phải có kỹ năng lựa chọn yếu tố đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ, lao động...) để hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân,
- Mua lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phải chọn nơi uy tín, tin tưởng, có thương hiệu trên thị trường
.
- Áp dụng các giải pháp kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM… đều hướng tới việc giảm chi phí đầu tư, bảo vệ môi trường. Tùy từng điều kiện cụ thể, nông dân có thể áp dụng toàn bộ gói kỹ thuật hoặc từng phần, trước hết là sử dụng giống xác nhận và áp dụng sạ thưa (giảm lượng giống) nhằm tạo điều kiện quản lý dịch hại được tốt hơn.