Kết quả Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.
Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND thị trấn Trần Văn Thời thực hiện “Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời, bằng nguồn kinh phí Khuyến nông địa phương năm 2017. Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức Hội thảo để rút kết những mặt làm được và hạn chế để đưa ra giải pháp nhân rộng trong thời gian tới.
Mô hình được thực hiện từ tháng 7/2017 đến tháng 3/2018 với quy mô 30 ha gồm 34 hộ tham gia và xuống giống đồng loạt vào ngày 01/10/2017. Nguồn lúa giống OM 5451 cấp xác nhận do Trung tâm tâm Giống Nông nghiệp Cà Mau cung ứng.
Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật có trên 60 lượt người tham dự và phân công 02 cán bộ trực tiếp hướng dẫn thực hiện mô hình.
Mô hình đã được bà con nông dân thực hiện thống nhất một quy trình canh tác, chăm sóc, bón phân…
Hiệu quả kinh tế đã đem đến cho bà con nông dân trên cả mong đợi tại Khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời: Tổng chi tất cả: cày, trục, lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu … là 12.080.000 đ/ha; tổng thu: năng suất bình quân 7,2 tấn/ha, giá bán 5.600 đ/kg với số tiền là 40.320.000 đ/ha; lợi nhuận: 28.240.000 đ/ha. Đặc biệt có những hộ như hộ của chị Hồ Thị Lan đạt 52 giạ/công (năng suất trên 7,7 tấn/ha), lợi nhuận trên 35 triệu đồng/ha.
Theo báo cáo của cán bộ Khuyến nông. Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu so với ruộng lúa đối chứng: tổng chi phí đầu tư trong mô hình thấp hơn 2.550.000 đ/ha; năm suất cao hơn 0,5 tấn/ha; giá thành sản xuất giảm 503 đ/kg; Lợi nhuận cao hơn 5.390.000 đ/ha.
Điều đáng chú ý ở đây là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, việc sản xuất lúa giống chất lượng, áp dụng quy trình bón phân cân đối hợp lý và áp dụng biện pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp IPM nên giảm được lượng thuốc bảo về thực vật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất Các cán bộ Khuyến nông cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm là:
- Khi thực hiện mô hình có sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương, phải gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn với doanh nghiệp, với nông dân tham gia thực hiện mô hình.
- Công tác thông tin tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu phải thực hiện sâu rộng để người dân nắm rõ từ đó mới có sự đồng thuận cao.
Để đảm bảo nhân rộng mô hình cho những năm tiếp theo, địa phương cần quan tâm tổ chức lại sản xuất, trước mắt cần thành lập các tổ hợp tác sản xuất, từng bước tiến tới thành lập các hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp.