Giải pháp hạn chế đổ ngã trong sản xuất lúa vụ Hè-Thu năm 2017

Nông dân Cà Mau và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long thường xuyên phải đối mặt với sự đổ ngã của lúa nhất là trong mùa mưa.
        Nông dân Cà Mau và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long thường xuyên phải đối mặt với sự đổ ngã của lúa nhất là trong mùa mưa. Lúa bị đổ ngã làm cho khả năng quang hợp giảm, quá trình tạo hạt bị đình trệ do việc vận chuyển tinh bột vào hạt kém nên ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Đối với khu vực trũng, lúa đổ ngã bị ngâm lâu trong nước thiệt hại còn cao hơn. Thêm vào đó tiền công thu hoạch cũng tăng lên (khoảng gấp đôi). Nếu như lúa đứng, công thu hoạch khoảng 250.000 đồng/công thì lúa sập tiền công tăng lên từ 450.000 - 500.000 đồng/công mà vẫn không có máy thu hoạch. Mặt khác, lúa ngã làm bông lúa ngập trong nước thúc đẩy hạt nẩy mầm, hoặc hư thối do nấm bệnh tấn công và giảm chất lượng gạo, tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch cũng tăng lên do lúa nằm sát mặt ruộng máy không thể cắt hết lúa và lúa bị rụng hạt nhiều. Nếu tính hết các tổn thất trên nông dân đã bị mất đi 10-15%  đôi khi 20- 30% giá trị ruộng lúa.
Để hạn chế đổ ngã, người trồng lúa cần phải tìm ra nguyên nhân của sự đổ ngã, có thể là do:
- Thân lúa vươn cao: Giống càng cao cây càng dễ đổ ngã (vươn cao có thể do điều kiện canh tác và do giống)
- Đất quá mềm nhão: Đất mềm nhão không giữ chặt được rễ làm cây tróc gốc.
- Đất có tầng canh tác mỏng: Làm đất bằng cách xới sau nhiều năm hình thành tầng đế cày gần mặt đất, (khoảng 7-8 cm) Tầng đế cày là tầng đất cứng nên rễ lúa chỉ ăn bàn trên mặt đất  rất dễ gây đổ ngã.
- Bẹ lá không ôm sát vào thân: Cây lúa bắt đầu vươn lóng khi tượng khối sơ khởi, thân vẫn còn nhỏ, dài khoảng 1 cm và bẹ lá làm nhiệm vụ chống đỡ giúp cây phát triển bình thường. Ngay sau khi sự phát triển của lóng đã hoàn thành thì bẹ lá vẫn góp phần vào độ cứng của thân khoảng 30-60%. Bẹ lá ôm sát vào thân sẽ gia tăng sự cứng cáp của cây lúa, giảm đổ ngã. Khi cây lúa bị bệnh hay thiếu nước bẹ lá có khuynh hướng tách khỏi thân. Bẹ lá không ôm sát thân còn có thể do giống.
-  Lóng thân yếu: Lóng thân có vách mỏng, yếu dễ đổ ngã do gẩy thân lúa
- Thiếu nắng và mưa gió nhiều: Thiếu nắng làm cho lúa vươn cao; mưa gió nhiều lúa dễ đổ ngã.
- Bón phân mất cân đối: Bón phân cho lúa nếu tỷ lệ phân đạm được bón quá cao so với lân và kali (nhất là so với phân kali), rất dễ gây nên sự mất cân đối sinh trưởng nhiều về chiều cao, các tế bào dài ra trong khi thành mạch của tế bào yếu, tích lũy xellulo kém dễ gây hiện tượng đổ ngã. Trong trường hợp phân bón có tỷ lệ đạm quá cao mà đất lại nghèo lân và kali thì hiện tượng đổ ngã càng dễ xảy ra
- Gieo sạ dày:  Bón thừa đạm, sạ dày, hoặc ngập nước liên tục, khi gặp thời tiết mưa nhiều, rất dễ bị các loại nấm bệnh tấn công như: Đạo ôn, Khô vằn, Vàng lá chín sớm làm khô lá chân, do đó mức độ đổ ngã càng nghiêm trọng hơn
Nhân hội thảo về “Giải pháp hạn chế đổ ngã vụ Hè-Thu năm 2017” Trung tâm giống Nông nghiệp Cà Mau là đơn vị chuyên sâu về chọn tạo giống lúa, Chúng tôi xin đề xuất cơ cấu giống lúa sản xuất trong vụ Hè thu 2017 như sau: Chọn giống lúa ít hoặc không bị đổ ngã, chiều cao cây trung bình, Các lóng thân sát mặt đất ngắn, cứng chắc, thân rạ lớn (đường kính lóng thân lớn) và lóng thân dày, bẹ lá ôm chặt lóng, lá đứng gồm:
Nhóm cứng rạ;  OM6162, OM4900, OM7347, OM5954, OM6976, Đài Thơm 8  
Nhóm rạ cứng trung bình: OM5451, Camau1, Camau2, RVT, ST20, OM576
Đây là những giống lúa có năng suất cao, phẩm chất tốt, ít nhiễm sâu bệnh, dễ tiêu thụ trên thị trường, thích nghi với điều kiện sản xuất tại Cà Mau.

Tuy nhiên trong sản xuất để đạt hiệu quả cao, cần lưu ý một số điểm như sau:

- Gieo sạ với mật độ vừa phải: 100 – 120kg/ha, có thể sạ khô hoặc sạ gát (sạ khô với điều kiện kiểm soát được cỏ dại và lúa gài)
- Chọn thời vụ thích hợp: Kết quả nghiên cứu nhiều nơi cho thấy xuống giống vào đầu tháng 5 cho năng suất cao nhất, vào giai đoạn này, lúa trổ rơi vào hạn ‘Bà chằn” lúa nhận được nhiều ánh sáng mặt trời và lượng mưa ít.
- Bón phân cân đối; cần bón phân cân đối, bón theo bảng so màu lá là đáp ứng nhu cầu cây lúa để không bị thừa hoặc thiếu đạm bảo đảm đạt năng suất cao và hạn chế đổ ngã. Đối với ruộng dễ bị đổ ngã nên bón lót phân kali và phân lân vì bón lót cung cấp  kali sớm giúp các lóng đầu tiên cứng chắc hạn chế đổ ngã rất hiệu quả. Vì vậy tuỳ theo điều kiện đất đai, mùa vụ, giống lúa mà có thể áp dụng công thức phân bón cho thích hợp, Đối với vụ Hè Thu có thể bón theo công thức sau:  70-90 kg đạm nguyên chất + 40 - 60 kg lân nguyên chất + 30-50 kg kali nguyên chất

* Cách bón:

Bón lót: bón toàn bộ lượng phân lân đơn  + 1/3 phân kali bón trước khi xới hay trục đất lần cuối để vùi phân trong đất sẽ hiệu quả hơn.
Thúc lần 1: thời điểm 7 - 10 ngày sau khi gieo, bón1/3 lượng phân đạm + 1/3 phân kali.
Thúc lần 2: thời điểm 18 - 22 ngày sau khi gieo, bón 1/3 lượng phân đạm.
Bón nuôi đòng: thời điểm đòng lúa khoảng 1-2 cm, bón 1/3 lượng phân đạm + 1/3 phân kali.
Nếu áp dụng phân NPK hỗn hợp, không bón lót thì chia 3 lần bón: thúc lần 1: thời điểm 7 ngày sau khi gieo, bón 1/3 lượng phân đạm + ½ phân kali + ½ phân lân. Thúc lần 2: thời điểm 18-22 ngày sau khi gieo, bón 1/3 lượng phân đạm + ½ phân lân. Bón nuôi đòng: thời điểm đòng đòng 1-2 cm, bón 1/3 lượng phân đạm + ½ phân kali.
- Điều chỉnh mực nướccác nghiên cứu thử nghiệm và ứng dụng nhiều nơi cho thấy kỹ thuật tưới nước ướt khô xen kẽ hạn chế rất hiệu quả đổ ngã trong canh tác lúa do làm mặt đất không bị nhão, bộ rễ phát triển sâu, đất được giải độc nên cây hút thu dinh dưỡng tốt nên cây lúa chắc khoẻ nên ít bị đổ ngã.
Giai đoạn đẻ nhánh: duy trì mực nước 3-5 cm giúp cây nảy chồi tốt và khống chế cỏ dại rất hiệu quả. 
Khi cây lúa đứng cái (chuẩn bị làm đòng) cần rút cạn nước phơi ruộng đến khi mặt đất nứt chân chim (khoảng 5 - 7 ngày) nhằm hạn chế đẻ chồi vô hiệu, làm gốc lúa thông thoáng giúp hạn chế sâu bệnh, đồng thời còn giúp bộ rễ phục hồi và phát triển tốt, đất ít bị nhão nên hạn chế đổ ngã tạo tiền đề cho việc tăng năng suất và chất lượng. Sau đó cho nước vào và giữ mực nước cố định khoảng 5-7cm.
Trước khi thu hoạch 10 ngày nên tháo cạn nước (đất vẫn còn đủ ẩm để cung cấp nước cho cây) để đất khô ráo thuận lợi cho việc thu hoạch lúa
Như vậy, việc hạn chế lúa đổ ngã không những giúp tăng năng suất, phẩm chất mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất như sạ thưa ít tốn giống, bón phân cân đối giảm lượng phân bón, hạn chế sâu bệnh giảm thuốc bảo vệ thực vật... Tuy nhiên, để áp dụng kỹ thuật này đạt hiệu quả cần san bằng mặt ruộng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vừa nêu.
          Trên đây là một số ý kiến đề xuất. Chúc bà con nông dân thành công.

Tác giả bài viết: Ks. Nguyễn Văn Hải

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây